Về Nguồn – về với đất thiêng Quảng Trị

Hướng đến kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ 27/7/1947 – 27/7/2023, chi bộ 6 nói riêng, Đảng bộ Bệnh viện C Đà Nẵng nói chung đã có chuyến đi  “Về Nguồn” do đồng chí Nguyễn Trọng Thiện – Bí thư Đảng ủy, giám đốc Bệnh viện dẫn đoàn. Cùng đi có đại diện lãnh đạo Đảng ủy khối, Ban chấp hành Đoàn thanh niên đi thăm, viếng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, Thành cổ Quảng Trị – nơi ghi dấu tích hào hùng của dân tộc trong cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước để thắp nén tâm nhang thành kính dâng lên những người con đã ngã xuống vì Tổ quốc.

Ảnh: Chi bộ 6 thuộc Đảng bộ Bệnh viện C Đà Nẵng tại Nghĩa trang Trường Sơn.

Đến với Quảng trị vào những ngày cuối tháng 7 – tháng cả nước tri ân các Anh hùng Liệt sĩ, lòng người không tránh khỏi xúc động bồi hồi. Tận đáy lòng mình, chúng tôi, những người may mắn được sinh ra và lớn lên trong hòa bình dấy lên một cảm xúc khó tả. Chiến tranh đã lùi xa, những đau thương mất mát mà chiến tranh để lại cũng mờ dần với thời gian. Nhưng ở mảnh đất miền Trung gió Lào cát trắng này thời gian không thể làm phai mờ đi hình ảnh những Nghĩa trang với bạt ngàn ngôi mộ Liệt sỹ chạy dài hun hút tưởng chừng như vô tận.

Nghĩa trang Trường Sơn với hơn 10.263 ngôi mộ liệt sĩ nằm cạnh nhau, trải dài trên đồi núi mênh mông, chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn sự hy sinh lớn lao của các anh, các chị không quản xương máu, tuổi trẻ để giành lại độc lập, tự do cho dân tộc, thống nhất giang sơn nước nhà. Họ là những người con trai, con gái từ khắp các miền quê Việt Nam đi chiến đấu vì độc lập tự do của dân tộc và họ ngã xuống khi mới bước vào tuổi mười tám, đôi mươi – cái tuổi mà ăn chưa no và lo chưa tới. Họ là những anh bộ đội, những cô thanh niên xung phong tuổi đời đang phơi phới đã chia tay bố mẹ, gia đình, người thân yêu để lên đường ra trận theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc nhưng họ mãi mãi không thể quay trở về nhà mà yên nghỉ lại nơi này. Đoàn chúng tôi đến thắp hương cho từng ngôi mộ, không ai nói với ai câu gì nhưng chúng tôi đều cảm nhận được không khí ở Nghĩa trang linh thiêng và trầm lặng, trong lòng mỗi người đều trào dâng niềm xúc động nghẹn ngào.

Ảnh: Các thành viên trong Đoàn thành kính dâng hương tại mộ các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Trường Sơn

Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn không chỉ là nơi an nghỉ của các anh hùng liệt sĩ mà còn là biểu tượng của tinh thần, ý chí đấu tranh giành độc lập và khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam. Đồng thời để là nơi để các gia đình liệt sỹ, các đoàn đại biểu của Đảng, Nhà nước, các địa phương, người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế đến thăm viếng nghĩa trang theo truyền thống của dân tộc Việt Nam: Uống nước nhớ nguồn – Ăn quả nhớ người trồng cây.

Trong hành trình của Đoàn, chúng tôi đến dâng hương tại Thành cổ Quảng Trị trong tiết trời mát mẻ bởi nơi đây đang đón cơn mưa rào đủ làm dịu đi cái tiết trời nắng nóng như đổ lửa của vùng đất nơi đây. Thành cổ Quảng Trị – Di tích quốc gia đặc biệt của Việt Nam tọa lạc ở trung tâm thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị. Thành cổ Quảng Trị là công trình thành luỹ quân sự và là lỵ sở của triều đình nhà Nguyễn trên địa hạt Quảng Trị. Đây cũng là trung tâm tỉnh lỵ Quảng Trị thời thuộc Pháp và chính quyền miền Nam. Đặc biệt, trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy năm 1972 Thành cổ được cả thế giới biết đến qua cuộc chiến 81 ngày đêm giữ thành đầy khốc liệt, đây được coi là nghĩa trang không nấm mồ, là ngôi mộ chung của những người lính Thành Cổ đã ngã xuống vì quê hương vì sự hòa bình thống nhất đất nước.

Trở lại với mùa hè năm 1972 qua những trang sách, thước phim, chúng tôi được biết Thành Cổ có khoảng 328.000 tấn bom đạn của giặc Mỹ đã dội xuống mảnh đất này, ngày cũng như đêm, trời và đất Quảng Trị đỏ rực một màu của máu và lửa, không một nhành cây, một cành hoa hay một ngọn cỏ nào có thể sống được. Trong lịch sử chiến tranh thế giới, chưa hề có một cuộc hành quân nào mà mục tiêu chủ yếu chỉ đánh vào một tòa Thành Cổ và thị xã Quảng Trị rộng chưa đầy 3km2, khiến đối phương có thể huy động một lực lượng hải, lục, không quân đông và sử dụng một khối lượng chất nổ khổng lồ như vậy.

Đến với Thành cổ Quảng Trị hôm nay không chỉ nhìn lại dấu vết của một số đoạn thành, lao xá, các cổng tiền, hậu, tả, hữu mà là một bảo tàng sống về ý chí và sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong thời đại mới. Mỗi tấc đất nơi đây thấm đẫm máu xương của biết bao người con yêu quý trên mọi miền Tổ quốc vì một lý tưởng cao đẹp đó là độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Chính vì vậy, Thành cổ Quảng Trị trở thành mảnh đất thiêng, nơi hội tụ tình cảm của chiến sỹ, đồng bào cả nước, là nơi tôn vinh, tri ân cho những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì sự độc lập tự do của Tổ quốc về sự trường tồn của dân tộc. Nơi đây mãi mãi là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước tinh thần bất khuất kiên trung của cả một dân tộc anh hùng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Trong cuộc chiến 81 ngày đêm đó, dòng sông Thạch Hãn là con đường tiếp tế nhân lực, vật lực chủ yếu cho mặt trận Quảng Trị. Để cắt con đường tiếp tế đó, địch điên cuồng ném bom bắn phá, rất nhiều chiến sỹ ta đã nằm lại trên dòng sông.

Đặc biệt ngày 16/9/1972, ngày cuối cùng của 81 ngày đêm, sau khi nhận lệnh cấp trên rút toàn bộ quân sang bờ Bắc của sông để bảo toàn lực lượng, hàng trăm chiến sỹ và thương binh sau nhiều ngày ngâm mình trong nước, đói rét đã không còn đủ sức để chống chọi với dòng nước lũ. Và sông Thạch Hãn một lần nữa trở thành nơi an nghỉ vĩnh hằng của các chiến sỹ Thành cổ Quảng Trị anh hùng.

Ảnh: Thả đèn hoa đăng trên sông Thạch Hãn

Tuổi 20 nằm lại dưới đáy sông. Có người kịp gọi tên người yêu thương trước khi gửi thân mình cho sóng nước, có người cả tiếng gọi mẹ ơi cũng tắt nghẹn nửa chừng khi địch bất thần nã pháo vào đội hình vượt sông… Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ, các anh chẳng để lại gì trước lúc hy sinh. Có chăng chỉ là một lời nhắn nhủ: “Em sẽ đọc thư này cho mọi người trong gia đình nghe trong buổi lễ truy điệu anh. Cho anh gửi lời chúc sức khỏe tất cả những người trên quê hương trong buổi lễ truy điệu lịch sử này. Thôi nhé em đừng buồn, khi được sống hòa bình hãy nhớ tới anh. Nếu thương anh thực sự thì khi hòa bình, có điều kiện vào Nam lấy hài cốt của anh về” (thư của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh, xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình).

Sau những chuyến đi đầy ý nghĩa thế này, chúng tôi, những Đảng viên chi bộ 6 biết thêm một quá khứ hào hùng của thế hệ cha anh đi trước. Chúng tôi xin gởi lời cám ơn Đảng ủy bệnh viện C Đà Nẵng đã tạo điều kiện cho chúng tôi có chuyến đi ý nghĩa này, hi vọng sẽ có nhiều hơn những chuyến đi “Về nguồn” như vậy để ôn lại truyền thống uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa của dân tộc ta, góp phần nâng cao nhận thức, phát huy tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc.

Đảng viên Chi bộ 6