THÁNG BẢY TRI ÂN

Đoàn xe chúng tôi khởi hành từ rất sớm, gồm 4 chiếc xe loại 45 chỗ ngồi. Chúng tôi, với gần 160 đảng viên cùng tham dự chuyến “Hành hương về nguồn” do Đảng bộ Bệnh viện C Đà Nẵng tổ chức trong 2 ngày Thứ Bảy và Chủ nhật (22-23/7/2023). Chương trình nằm trong Kế hoạch công tác của Đảng bộ Bệnh viện nhằm tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, nhân dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2023). Tham gia chương trình lần này, Đảng bộ Bệnh viện vinh dự được đón hai đại biểu cấp trên đến từ Đảng bộ Khối Các cơ quan thành phố Đà Nẵng.

“Chúng tôi đi hẹn ngày trở về, cùng đoàn viên hát khúc khải hoàn…” là một trong những ca khúc đi cùng năm tháng được cất lên trong suốt chặng đường dài gần 170km để thật nhanh đưa chúng tôi đến với Quảng trị, mảnh đất đã đi vào lịch sử dân tộc như một bản trường ca bất tử.

16h00 chiều chúng tôi tiến về Thành cổ Quảng Trị sau khi đã ăn trưa, nghỉ ngơi và tham gia làm bài thi tìm hiểu về “Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII” và “Nghị quyết Đại hội lần thứ XV Đảng bộ Bệnh viện C Đà Nẵng, nhiệm kỳ 2020-2025”.

Hình 01: Đảng bộ Bệnh viện C Đà Nẵng tổ chức Cuộc thi tìm hiểu về “Nghị quyết Hộinghị lần thứ 6 BCHTW Đảng khóa XII” và “Nghị quyết Đại hội lần thứ XV Đảng bộ Bệnh viện C Đà Nẵng, nhiệm kỳ 2020-2025”tại tỉnh Quảng Trị.

Tại đây, trong không khí trang nghiêm, tất cả trái tim cùng hòa một nhịp, mắt hướng về lá cờ Tổ quốc ở trên cao, cất cao khúc ca hùng tráng đầy tự hào. Hòa trong tiếng sóng, tiếng gió tại vùng đất thiêng thiêng, giai điệu hào hùng của bài Quốc ca hướng ra vùng biển, vùng trời, hải đảo thuộc chủ quyền của Tổ quốc, đã gợi lên niềm tự hào, xúc động về ký ức những năm tháng hào hùng, đầy gian khổ, ác liệt song vô cùng anh dũng, vẻ vang của ông cha ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Toàn Đảng bộ đã được nghe thuyết minh về di tích lịch sử Thành cổ Quảng Trị, là di tích lịch sử quan trọng với nhiều ý nghĩa và giá trị to lớn, là miền đất mà khi đặt chân đến đây, mỗi chúng ta lắng nghe câu chuyện lịch sử, không thể kìm được cảm xúc bồi hồi, tiếc thương cho những “người hùng vô danh” đã gieo mình xuống nơi đây, mãi mãi không thể trở về quê hương, gia đình. Thành cổ Quảng Trị cũng là một di tích lịch sử được mệnh danh là “Nghĩa trang không nấm mồ”, nơi đây đã ghi lại dấu ấn của một cuộc chiến khốc liệt nhuộm màu bi thương giữa quân ta với Mỹ – Ngụy vào năm 1972 suốt 81 ngày đêm. Căn nguyên của trận chiến này là do sau khi quân giải phóng của ta đã chiếm được thành cổ Quảng Trị, Mỹ không chấp nhận được việc mất thành nên chúng muốn phát động cuộc chiến vừa để giành lại thành vừa để gây sức ép với nước ta trên Hội nghị Paris. Trong suốt 81 ngày đêm ấy, chúng xả xuống hơn 328.000 tấn bom đạn cùng với lực lượng quân đội tiến đánh với số lượng khổng lồ, thế nhưng điều đó không làm nhụt chí những người lính giải phóng quân ấy. Họ mặc mưa bom bão đạn, tiến về phía trước với một niềm tin chiến thắng mãnh liệt với lý tưởng cao đẹp bảo vệ Tổ Quốc. Kết thúc cuộc chiến, chiến thắng nghiêng về quân ta nhưng lực lượng bên ta bị thiệt hại nặng nề, hơn mười vạn người lính đã gieo mình xuống đất, vì thế mà thành cổ trở thành vùng đất thiêng, “ cối xay thịt người” gợi nhắc người dân Việt Nam về sự kiện đẫm máu ấy, về nền hòa bình được tạo dựng ngày hôm nay được đánh đổi bằng biết bao xương máu của ông cha ta.

Hình 02: Đại biểu từ Đảng bộ Khối Các cơ quan thành phố Đà Nẵng và Tập thể Đảng bộ Bệnh viện C Đà Nẵng tưởng nhớ, tri ân các Anh hùng Liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc tại Thành cổ Quảng Trị.

Hình 03: Tập thể Đảng bộ Bệnh viện C Đà Nẵng dâng hương tưởng nhớ, tri ân các Anh hùng Liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc tại Thành cổ Quảng Trị.

Hình 04: Toàn Đảng bộ Bệnh viện C Đà Nẵng nghe thuyết minh về di tích lịch sử tại Thành cổ Quảng Trị.

Cũng tại nơi đây, nơi linh thiêng của đất trời, Đảng bộ Bệnh viện đã tổ chức Lễ kết nạp đảng viên mới cho 03 quần chúng ưu tú của 3 chi bộ gồm: Chi bộ 1, Chi bộ 3 và Chi bộ 4. Lời bài hát Quốc ca và Quốc tế ca vang lên bên tượng đài ghi dấu sự chiến đấu và hy sinh của sinh viên Việt Nam. Đây là lần thứ 2 Đảng bộ Bệnh viện tổ chức Lễ kết nạp đảng viên mới trong Chương trình tri ân về nguồn nhân dịp kỷ niệm Ngày Thương binh Liệt sĩ hàng năm.

Đoàn chúng tôi tiếp tục tiến về hướng dòng sông Thạch Hãn. Trong chiến tranh, Thạch Hãn là dòng sông máu – nơi chứng kiến sự hy sinh anh dũng của những chiến sĩ. Hòa bình, đây là dòng sông của những cuộc hành hương về nguồn, nơi để tưởng nhớ, tri ân của đồng đội, đồng bào và chiến sĩ cả nước.

Đâu đó vang vọng tiếng chèo khua. Xin chèo nhẹ thôi, đò ơi! Dẫu hôm nay là chiếc đò đưa du khách phương xa thăm dòng Thạch Hãn bên bờ Thành cổ bình yên và lãng mạn. Nhưng xin nhớ dòng sông này đã có hơn 1.000 liệt sĩ hy sinh trong mùa hè đỏ lửa năm 1972. Có người đã về với quê mẹ, có người còn nằm đâu đó dưới đáy sông. Sông Thạch Hãn đã gắn bó với Thành cổ Quảng Trị hơn cả trong cuộc chiến chống Mỹ. Từ tháng 6 đến tháng 8 năm 1972, con sông này đã giúp cho quân đội ta vượt qua làn bom đạn giặc để tái chiếm Thành cổ Quảng Trị. Nhiều chiến sĩ đã vĩnh viễn nằm lại khúc sông này. Các trận đánh ở thành cổ Quảng Trị khốc liệt đến nỗi dường như cả một ngôi thành đã không một viên gạch nào còn nguyên.

Với lòng thành của thế hệ hôm nay, hành trang của chúng tôi đem đến nơi này là tấm lòng tôn kính và sự biết ơn các chiến sĩ đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng đất nước. Máu của ông cha ta đã nhuốm đỏ dòng sông này.

Đến nơi đây, từng đảng viên chúng tôi đã thả những chiếc đèn hoa đăng sáng lung linh xuống dòng nước sông Thạch Hãn, cầu mong ông cha ta hãy yên nghỉ nơi nghìn thu.

Hình 04: Đảng viên Chi bộ 5 cùng toàn Đảng bộ Bệnh viện thả hoa đăng xuống dòng nước sông Thạch Hãn và cầu mong các Anh hùng Liệt sỹ yên nghỉ nơi nghìn thu.

Sáng sớm hôm sau, đoàn chúng tôi di chuyển đến Nghĩa trang Trường Sơn, nơi tưởng niệm, tôn vinh những người con thân yêu của Tổ quốc đã anh dũng hy sinh xương máu của mình trên con đường Trường Sơn. Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn quy tụ 10.333 phần mộ của các liệt sỹ; có tổng diện tích 140.000m2; trong đó, diện tích đất mộ là 23.000m2, khu tượng đài 7.000m2, khu trồng cây xanh 60.000m2, khu hồ cảnh 35.000m2 và mạng đường ô tô rải nhựa trong khuôn viên nghĩa trang 15.000m2.. Đây cũng là nơi an nghỉ đời đời của các chiến sĩ đã hy sinh anh dũng trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trong thời kì chống Mỹ cứu nước.

Hình 05: Đảng viên Chi bộ 5 chụp hình lưu niệm tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn.

Kết thúc hành trình “Hành hương về nguồn” những cảm xúc tiếc thương vô bờ bến vẫn còn vấn vương trên mi mắt. Chúng tôi bồi hồi và ngồi tĩnh lặng thật lâu để tưởng nhớ về nơi đây, nơi có các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh qua phóng sự được xem và giọng thuyết minh trầm lắng, ấm áp của chị hướng dẫn viên vẫn còn văng vẳng đâu đây…“Giải phóng rồi, có những người mẹ hằng đêm giật mình ra mở cửa, tưởng các anh đã trở về….. rồi nước mắt bỗng giàn giụa !”

                                                                                       Quảng Trị, tháng 7/2023,

Đảng viên Chi bộ 5