CẢM NHẬN CHUYẾN “HÀNH HƯƠNG VỀ NGUỒN”

HÀNH HƯƠNG VỀ NGUỒN: Hành trình ý nghĩa 2 ngày 1 đêm (22 và 23/7/2023) viếng và dâng hương các Anh hùng liệt sỹ tại Thành cổ Quảng Trị và Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn do Đảng bộ Bệnh viện C Đà Nẵng tổ chức đã đưa Chi bộ chúng tôi trở lại không gian, thời gian đầy hào hùng và quá đỗi tự hào của dân tộc.

Chúng tôi đặt chân đến Thành cổ Quảng Trị vào buổi chiều im nắng, nhẹ nhàng bên tai lời bài hát “Cỏ non Thành Cổ” của nhạc sĩ Tân Huyền:

“Cỏ non Thành Cổ một màu xanh non tơ

Bình minh Thành Cổ cỏ mềm theo gió đung đưa.

Cỏ non Thành Cổ một màu xanh non tơ

Nào có ai ngờ nơi đây một thời máu đổ

Người vợ nào, người mẹ nào

 Ngậm ngùi nuốt lệ, khi chồng con không trở về”

Đúng như lời bài hát, có ai trong chúng ta biết được dưới lớp “Cỏ non Thành cổ – một màu xanh non tơ” kia, dưới tầng tầng gạch đá này còn biết bao hài cốt chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Một khẩu súng giữ hai trời Nam-Bắc, một dấu chân in màu đất hai miền suốt 81 ngày đêm hứng chịu và chống trả, trái tim con người và từng tấc đất nơi đây như được luyện thành thép. Cảm xúc như nghẹn lại, xót xa mà rất đỗi tự hào khi nghe cô hướng dẫn viên thuyết trình. Nơi chúng tôi đứng, 50 năm trước đầy máu và lửa giờ đây là những thảm cỏ xanh rờn trải rộng hòa lẫn xương máu của các anh. Hơn bao giờ hết lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước và những xúc cảm cứ dâng trào mãnh liệt. Mỗi mét vuông đất tại Thành Cổ Quảng Trị là một một mét máu và sự hy sinh của các anh đã trở thành bất tử. Chỉ trong 81 ngày đêm với chiến dịch tái chiếm Thành Cổ, số bom đạn mà quân đội Mỹ – Ngụy đã ném xuống tương đương với sức công phá của 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Hiroshima, Nhật Bản năm 1945. Hôm nay, mảnh đất bị bom cày đạn xới ấy, những vết tích của chiến tranh chỉ còn lại ở những đoạn tường thành nham nhở. Nhưng chính trong những viên gạch đó, dưới những thảm cỏ, lớp đất trong Thành cổ ấy chính là xương máu của hàng ngàn Anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống trong cuộc chiến bảo vệ Thành cổ.

Được sinh ra và lớn lên khi đất nước đã sạch bóng quân thù, không còn cảnh bom đạn gieo trên đầu. Chúng tôi, những thế hệ đang được hưởng trọn vẹn hòa bình, tự do và hạnh phúc. Nhưng những người lính Thành cổ, đa số tuổi đời còn rất trẻ, đã lấy gan vàng chọi với sắt thép để tạc nên một tượng đài sừng sững với khát vọng độc lập. Năm mươi năm đã trôi qua, khúc tráng ca của 81 ngày đêm lịch sử đã lùi xa, dấu tích về trận đánh không còn nhiều, các nhân chứng sống dần một ít đi, nhưng mảnh đất năm xưa, con người năm ấy mãi được khắc ghi như một biểu tượng sáng ngời.

Chúng tôi được viếng và thắp nén nhang cho các anh là niềm vinh dự và tự hào khôn xiết. Bởi đến với Thành cổ Quảng Trị không chỉ là đến với một di tích lịch sử mà còn là đến với một nghĩa trang oai hùng. Khác với nghĩa trang Đường 9, nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn hay các nghĩa trang khác ai nằm xuống dù biết tên hay chưa đều có một ngôi mộ riêng. Nhưng ở Thành cổ Quảng Trị các Anh, các Chị chỉ có một ngôi mộ tập thể, một nấm mộ chung đó chính là “Đài tưởng niệm trung tâm”. Thành cổ Quảng Trị là một tượng đài bất tử vì nó được dựng lên bằng máu và xương thịt của hàng nghìn người lính trẻ, khắc ghi dấu ấn của dân tộc.

Hình 1: Đảng bộ bệnh viện dâng hương tại Đài tưởng niệm trung tâm

Về thăm Thành cổ Quảng Trị, chúng tôi được tự mình chiêm nghiệm về những giá trị đúng đắn của con người giữa sự sống và cái chết, giữa hòa bình với chiến tranh. Đài tưởng niệm Thành cổ Quảng Trị cũng vì thế mà giàu tính nhân văn và tính triết lý. Con người sinh ra rồi mất đi là lẽ tự nhiên nhưng những gì họ để lại cho đời là vĩnh viễn. Điều ấy cũng có nghĩa rằng khi tưởng niệm tôn vinh về những người đã mất là để nhắc nhở mọi người hôm nay phải sống sao cho xứng đáng, để quá khứ làm động lực thúc đẩy cho hiện tại và tương lai. Chính vì ý nghĩa này, Đảng bộ bệnh viện C Đà Nẵng đã tổ chức lễ kết nạp của ba đảng viên mới ngay tại Thành cổ. Trước cờ Tổ quốc, cờ Đảng, chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự chứng kiến của toàn thể đảng viên của Đảng bộ, trong không khí trang nghiêm, lời tuyên thệ của các đảng viên mới vang vọng, đó là khoảnh khắc không bao giờ quên được trong ký ức của mọi người trong ngày hôm đó.

Hình 2. Lễ kết nạp Đảng viên mới tại Thành cổ Quảng Trị

Khói vẫn cay mắt người và những giọt lệ nhớ thương, cảm phục của những lớp người sau vẫn rơi trước hoa cỏ xanh tươi trên những nấm mồ sáng tươi sắc sao vàng Tổ quốc. Hàng chục vạn chiến sĩ đã nằm lại nơi đây, họ đã không được chứng kiến ngày đất nước thống nhất. Trong mỗi chúng tôi đều có suy nghĩ rất nhiều về những gì đã diễn ra, vui có, buồn có, niềm tự hào trộn lẫn với sự luyến tiếc….

Thành cổ Quảng Trị tiễn chúng tôi với những xúc cảm còn nguyên vẹn như vậy. Mỗi chúng tôi – những đảng viên của Chi bộ 1, Đảng bộ Bệnh viện C Đà Nẵng càng thấm thía hơn những hy sinh, mất mát của một thế hệ những người con đất Việt đã ngã xuống vì Độc lập, Tự do của dân tộc. Những điều mà trước đây, thế hệ trẻ như tôi chỉ biết đến qua những bài học lịch sử, thì nay, mọi thứ được tái hiện trước mắt, hào hùng và xúc động. Những cô thanh niên xung phong, những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Tuổi trẻ của họ chỉ hướng về một lý tưởng duy nhất: Tổ quốc – đồng bào.

Địa điểm tiếp theo trong ngày đầu tiên đầy ý nghĩa là Bến thả hoa bên bờ sông Thạch Hãn. Gần 160 đảng viên dâng hương tại bến thả hoa và có đêm thả hoa đăng đầy xúc động trên sông Thạch Hãn. Toàn bộ Đảng bộ Bệnh viện C Đà Nẵng đã chuyển tải lòng thành kính và tâm nguyện của mình qua những đóa hoa đăng rực sáng xuống dòng sông Thạch Hãn.

Hình 3: Đảng bộ bệnh viện C Đà Nẵng thả hoa đăng tại bến thả hoa bờ Nam sông Thạch Hãn

Địa điểm cuối cùng của hành trình “HÀNH HƯƠNG VỀ NGUỒN”. Chúng tôi được viếng Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, đúng vào dịp kỷ niệm 76 năm ngày Thương binh liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2023). Đây là nơi quy tập của 10.333 hài cốt các liệt sĩ đã chiến đấu và hy sinh trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại. 

Hình 4: Thắp hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn

Dẫu đã được nghe nhiều về Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn nhưng đặt chân đến đây mới thấy nơi này rộng lớn quá. Chiến tranh đã lùi xa nhưng những đau thương và mất mát mà chiến tranh để lại vẫn chưa thể xóa nhòa. Đó là hình ảnh nghĩa trang với bạt ngàn những ngôi mộ Liệt sĩ trải dài hun hút tưởng chừng như vô tận. Cả khu nghĩa trang Trường Sơn là một màu trắng: màu trắng của những ngôi mộ, của nắng, của khói hương nghi ngút càng khiến chúng tôi không khỏi nghẹn lòng, càng hiểu thêm về giá trị của hòa bình, của độc lập, tự do.

Tới đây, ai cũng có ý thức giữ yên lặng khi đi lại, nói chuyện để không làm ảnh hưởng tới giấc ngủ của các liệt sĩ. Trong lòng mỗi người trào dâng sự xúc động, nghẹn ngào. Đó không chỉ niềm thương tiếc, xót xa mà xen lẫn sự khâm phục, lòng biết ơn. Họ tuy sinh thành ở khắp 3 miền đất nước nhưng giữa họ có chung một hướng đi, một con đường ra trận – đó là đường Hồ Chí Minh. Chúng tôi xếp hàng nghiêm trang trước tượng đài, ai cũng ngậm ngùi bởi đứng trước vong linh của những anh hùng đã khuất, chúng tôi cảm thấy như đang nợ những người đã ngã xuống, nợ Tổ quốc một điều gì đó thật lớn lao. Xin gửi gắm vào những nén tâm hương cùng tiếng chuông thỉnh  tâm nguyện của mình, cầu nguyện cho hương hồn các chiến sĩ đã hy sinh…..

Chúng tôi rời nghĩa trang trong niềm xúc động lan tỏa niềm tin: Các liệt sĩ đã chiến đấu anh dũng, đã nằm xuống, nhưng các anh không bao giờ chết. Các anh luôn sống mãi trong lòng đất mẹ, trong lòng nhân dân.

Xin chân thành cảm ơn Đảng bộ bệnh viện C Đà Nẵng đã tổ chức một chuyến “HÀNH HƯƠNG VỀ NGUỒN” đầy ý nghĩa. Trong lòng mỗi người đều thầm cảm thấy tự hào vì mình là người được lựa chọn trong chuyến đi này. Những cung bậc cảm xúc của hành trình sẽ còn đọng mãi trong mỗi đảng viên Chi bộ 1 chúng tôi. Đây sẽ là động lực để chúng tôi phấn đấu hơn nữa để hoàn thiện bản thân, cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao góp phần xây dựng bệnh viện chúng ta ngày càng vững mạnh.

                                                                             Đảng viên Chi bộ 1