ĐIỀU TRỊ QUÁ PHÁT (PHÌ ĐẠI) CUỐN MŨI DƯỚI BẰNG COBLATOR

       Có nhiều nguyên nhân gây nghẹt mũi từ sinh lý đến bệnh lý như: dị vật, vẹo vách ngăn, viêm mũi xoang, u hốc mũi, polyp mũi…, trong đó quá phát cuốn mũi dưới là một nguyên nhân phổ biến. Quá phát cuốn mũi dưới gây ngạt mũi, đây là triệu chứng rất thường gặp, gây nhiều khó chịu cho người bệnh và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về mũi xoang

       Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị quá phát cuốn mũi dưới: đốt cuốn mũi dưới bằng nhiệt, bẻ cuốn mũi dưới, cắt cuốn mũi dưới, cắt bỏ xương cuốn dưới dưới niêm mạc, đốt laser CO2, microdebrider, đốt bằng sóng tần số radio (RF)…và coblation. Mỗi phương pháp đều có ưu điểm và khuyết điểm riêng. Coblation là công nghệ sử dụng năng lượng của sóng cao tần lưỡng cực ở tần số radio, phá vỡ liên kết trong tổ chức mô làm tổ chức mô tự phân hủy ở nhiệt độ tương đối thấp (40 – 70oC), ít gây tổn thương các mô lành xung quanh, thời gian hồi phục ngắn.

       Phương pháp coblation

       Công nghệ Coblation được nghiên cứu và phát triển từ năm 1998. Kỹ thuật này đã được sử dụng để điều trị các rối loạn của đường hô hấp như viêm amidan, viêm VA, ngáy, ngưng thở khi ngủ cũng được sử dụng với các bệnh nhân nghẹt mũi kéo dài do quá phát cuốn mũi dưới khi điều trị nội khoa quá phát cuốn mũi dưới thất bại. Kỹ thuật an toàn, ít gây xâm lấn và tạo ra hiệu quả lâm sàng kéo dài, ngoài ra phẫu thuật ít gây chảy máu, đau, và chảy máu mũi sau mổ.

Hệ thống Cablator II

       Hiện nay, tại khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện C Đà Nẵng đã ứng dụng công nghệ Coblation trong điều trị quá phát cuốn mũi dưới và cho thấy có nhiều kết quả tốt, người bệnh sau khi được điều trị quá phát cuốn mũi dưới bằng phương pháp Coblation thì hết nghẹt mũi, không chảy máu, không có vảy trong hốc mũi và đặc biệt là không có cảm giác đau trong hốc mũi, thời gian nằm viện ngắn.

 

Bs CKII VÕ NGUYÊN TÍN