Triển khai thành công kỹ thuật siêu lọc gan điều trị suy gan cấp tại Bệnh viện C Đà Nẵng

TRIỂN KHAI THÀNH CÔNG KỸ THUẬT SIÊU LỌC GAN (MARS: Molecular Adsorbent Recirculating System) ĐIỀU TRỊ SUY GAN CẤP TẠI BỆNH VIỆN C ĐÀ NẴNG

Suy gan cấp (SGC) là một cấp cứu khá thường gặp và có tỷ lệ tử vong rất cao, hàng năm ở Hoa Kỳ có 2000 trường hợp, tại Anh cũng có tới 400 bệnh nhân bị SGC, trong đó tử vong khoảng từ 50 đến 90 % do nhiều biến chứng nặng như bệnh não do gan, suy đa tạng, suy thận, suy hô hấp, trụy tim mạch, nhiễm khuẩn nặng. Khi có SGC, chức năng khử độc chọn lọc của gan bị giảm sút nghiêm trọng dẫn đến tích tụ trong cơ thể một lượng lớn các chất  độc như neurotoxic, ammonia benzodiazepines, serotonin, manganese, cytokines và bilirubin…. Các biến chứng nặng đều liên quan đến các chất này. Việc điều trị tích cực SGC hiện nay ngòai các biện pháp nâng đỡ kinh điển, các nhà khoa học trên thế giới đã và đang nghiên cứu phát triển nhiều biện pháp hỗ trợ gan nhân tạo nhằm lọc bỏ các độc chất, thay thế chức năng gan và giúp cho gan tự hồi phục hoặc chờ đến khi được ghép gan. Các biện pháp hỗ trợ gan nhân tạo được chia thành hai nhóm chính, nhóm hỗ trợ gan sinh – nhân tạo (bioartificial) bằng nuôi cấy các tế bào gan sống và nhóm không dựa vào tế bào, bao gồm thẩm tách máu, thay huyết tương, hấp thụ bằng than hoạt và mới đây là hệ thống tái tuần hoàn các chất hấp thụ phân tử (MARS)

Bệnh nhân nam, 79 tuổi, cán bộ hưu trí, vào viện ngày 19/01/2019, số lưu trữ hồ sơ: 1102/19, mã số bệnh nhân: 17001809. Bệnh nhân có tiền sử dùng thuốc đông y trước nhập viện khoảng nữa tháng, lần này nhập viện trong tình trạng rất nặng với các biểu hiện ngộ độc và suy gan cấp, hôn mê gan, nguy cơ tử vong rất cao; bệnh nhân được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc. Bệnh nhân được hội chẩn Hội đồng chuyên môn của Bệnh viện C Đà Nẵng và các Chuyên gia của Khoa Hồi sức tích cực – Bệnh viện Chợ Rẫy quyết định triển khai thực hiện kỹ thuật Siêu lọc gan.

Ngày 26/01/2019, bệnh nhân được triển khai Siêu lọc gan lần thứ nhất bằng Hệ thống siêu lọc gan đã được đầu tư. Sau khi được áp dụng kỹ thuật Siêu lọc gan, tình trạng lâm sàng bệnh nhân cải thiện; với tình trang các men gan và các chỉ số chức năng gan lúc nhập viện cao gấp trên 42 lần bình thường kèm tình trạng tắt mật trong gan (SGOT: 1702 U/l; SGPT: 2505 U/L; Gama GT: 251 U/L Bilirubin TP: 317 µmol/L, Bilirubin TT: 187 µmol/L và Amoniac máu: 58.93 µmol/L) đã cải thiện tốt ngay sau lần Siêu lọc gan đầu tiên. Bệnh nhân tiếp tục được triển khai Siêu lọc gan lần thứ hai; đến nay tình trạng bệnh nhân đã bình thường, tỉnh táo và chuẩn bị xuất viện về đón Xuân Kỷ Hợi cùng gia đình trong niềm vui và hạnh phúc của thầy thuốc và gia đình.

 Trong đó có thiết bị Hệ thống siêu lọc gan (MARS: Molecular Adsorbent Recirculating System) – mã số thiết bị DN-ICU-5, chưa triển khai thực hiện do đây là kỹ thuật mới, kỹ thuật cao mà Bệnh viện đang đào tạo và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện trước khi triển khai. Trong thời gian qua, Bệnh viện C Đà Nẵng đã khẩn trương xây dựng và triển khai Đề án “Nâng cao năng lực chuyên môn kỹ thuật mới” với sự hỗ trợ của Bệnh viện Chợ Rẫy, bằng nguồn kinh phí của Bệnh viện C Đà Nẵng; trong đó có kỹ thuật Siêu lọc gan.

     Đến nay, Bệnh viện C Đà Nẵng bắt đầu đưa vào sử dụng Hệ thống siêu lọc gan, đã cứu sống bệnh nhân suy gan cấp nặng mà nếu không có Hệ thống siêu lọc gan thì khó có thể điều trị thành công bằng các phương pháp khác.