Những điều cần biết về cấp cứu mắt
Mắt là bộ phận rất tinh vi cần được bảo vệ cẩn thận. Phải đi khám bệnh ngay khi có các dấu hiệu sau:
1. Chấn thương mắt:
Bất kỳ vết thương nào cắt hoặc xuyên qua nhãn cầu đều nguy hiểm. Dù một vết xước nhỏ nếu không được chăm sóc chu đáo hoặc nhỏ thuốc không đúng chỉ định thì sẽ dẫn đến nguy cơ mù lòa. Đừng tự mình hoặc nhờ người không chuyên khoa lấy hộ các dị vật trong mắt. Khi có dị vật trong mắt nên dùng một ngón tay giữ chặt vào cung mày để mi mắt nhắm kín không cử động tránh gây khó chịu, cộm mắt và để nước mắt trào ra theo phản xạ tự nhiên đẩy dị vật đi ra ngoài. Nếu không được thì đến ngay bác sĩ chuyên khoa mắt.
2. Mắt đỏ:
Có rất nhiều nguyên nhân gây đỏ mắt:
2.1. Viêm kết mạc: thường đỏ mắt tự nhiên, ít có dấu hiệu báo trước, đỏ cả hai mắt, cộm xốn, có cảm giác như có cát trong mắt. Sau 1-2 ngày nếu không chữa trị sẽ nặng thêm, có thể có ghèn, dử mắt và sưng húp mắt. Thường bệnh nhân tự mua thuốc nhỏ mắt tại các cửa hàng thuốc hoặc áp dụng các phương pháp dân gian như: háp nước ấm, nhỏ nước muối lâu năm bằng cách tự pha chế, áp lá trầu… Các phương pháp này không nên làm. Tốt nhất là đi khám bác sĩ chuyên khoa. Nếu ở xa thầy thuốc thì nên mua 1 lọ thuốc chlorocide 0,4% để nhỏ trong thời gian ngắn nhất đi đến bác sĩ chuyên khoa mắt.
Nếu là trẻ sơ sinh, trong hai ngày đầu nếu có biểu hiện mắt sưng húp, ghèn dử vàng xanh với số lượng nhiều và xuất hiện trở lại nhanh sau khi rửa sạch thì nên đến ngay bác sĩ vì có khả năng trẻ bị nhiễm lậu cầu tại mắt.
Để phòng bệnh, trẻ sơ sinh cần được nhỏ thuốc rửa mắt ngay sau khi sinh, các loại như: Argyrol, Povidine… Tuyệt đối không được dùng Chlorocide nhỏ mắt kéo dài đối với trẻ sơ sinh vì có thể góp phần gây suy tủy xương. Ngoài ra cần cân nhắc khi sử dụng các loại kháng sinh nhỏ mắt đối với trẻ sơ sinh vì khả năng gây ngộ độc.
2.2. Viêm giác mạc: Ít biểu hiện cấp tính bằng viêm kết mạc. Thường bệnh nhân có cảm giác mắt đỏ không nhiều, kèm theo một nốt màu xám nhạt hoặc trắng trên giác mạc. Vì vậy thường đến khám bác sĩ chậm trễ, do vậy dẫn đến bệnh khó thuyên giảm và gây giảm thị lực. Đỏ mắt mà tra thuốc nhiều ngày không đỡ.
2.3. Viêm màng bồ đào: Thường mắt có thể bị đau nhức dữ dội nhất là khi dùng tay ấn nhẹ vào mắt. Kèm theo có đỏ mắt, cương tụ quanh rìa giác mạc, mắt nhìn mờ, chảy nước mắt nhiều, chói sáng nhiều khi ra nắng. Không có nhiều ghèn dử như trong viêm kết mạc.
2.4. Thiên đầu thống cấp: Bệnh do áp lực trong nhãn cầu quá cao, thường gặp ở những người trên 40 tuổi, là nguyên nhân phổ biến gây mù do đến khám chuyên khoa chậm trễ làm tổn thương thần kinh thị giác trầm trọng không hồi phục. Cần phải đi khám chuyên khoa ngay bất kể thời điểm.
Biểu hiện thường gặp là: đau nhức mắt đột ngột kèm theo đau nữa đầu cùng bên dữ dội (muốn đập đầu vào tường), sờ thấy mắt cứng như hòn bi, buồn nôn, nôn. Mắt đỏ quanh rìa giác mạc, nhìn mờ như có sương, con ngươi bên đau nở to hơn bên lành.
Thường bệnh nhân đến trễ vì tự ý dùng thuốc giảm đau và thấy có thuyên giảm. Nhưng chính điều này gây mù lòa cho bệnh nhân.
3. Giảm thị lực:
Nhìn giảm kém ở một hay cả hai mắt. Trẻ em nhìn kém hoặc bị đau đầu, nhức mắt khi đọc sách báo cần phải cho trẻ đi khám mắt ngay. Đối với người có tuổi (trên 50 tuổi) cần lưu ý hai khả năng: Đục thủy tinh thể và glaucom đơn thuần. Cần có sự hướng dẫn và theo dõi của bác sĩ chuyên khoa để phòng các biến chứng của hai bệnh trên.
4. Mắt lác:
Cần lưu ý ở những trẻ em có tư thế đầu bất thường như nghiên đầu, ngước đầu khi học bài hoặc xem tivi. Nếu trẻ có biểu hiện nhìn lạc chỗ, lệch trục thị giác cả hai mắt hoặc có dấu hiệu nhìn thấy hai hình thì cần đến khám bác sĩ chuyên khoa ngay. Nhất là các trường hợp lác xuất hiện đột ngột kèm theo có sụp mi mắt, nhìn thấy hai hình.
5. Xuất huyết kết mạc:
Thường sau khi nâng vật nặng, sau khi ho mạnh, hay tình cờ sau khi ngủ dậy phát hiện một đám xuất huyết màu đỏ thẫm dưới kết mạc, không đau, không giảm thị lực, không gây khó chịu gì ở mắt. Đó là tình trạng vỡ những mạch máu nhỏ. Cần kiểm tra huyết áp, các bệnh toàn thân. Trường hợp này không đáng lo ngại. Nên đến bác sĩ để có những hướng dẫn cụ thể và nên uống nhiều nước sôi để nguội.
6. Xuất huyết tiền phòng:
Là tình trạng máu chảy ở phía sau giác mạc. Nếu không do chấn thương thì cần để cho bệnh nhân nằm yên, băng che mắt trong thời gian chờ đợi sự thăm khám của bác sĩ chuyên khoa.
7. Mủ trắng ở tiền phòng:
Là tình trạng có xuất huyết do nhiễm khuẩn hoặc không do nhiễm khuẩn, do bệnh lý tại giác mạc hay tại màng bồ đào. Cần đến khám chuyên khoa.
8. Đục thủy tinh thể:
Thường gặp ở người già, đôi khi ở trẻ nhỏ. Người bệnh có cảm giác chói mắt nhất là khi ra ngoài ánh sáng, cảm giác nhìn cảnh vật bị nhòa như nhìn qua sương sớm, thị lực giảm. Người khác nhìn vào sẽ thấy con ngươi đục trắng trong trường hợp đục chín. Thuốc nhỏ mắt hiện có trên thị trường để điều trị đục thủy tinh thể hầu như chỉ có tác dụng ngăn chặn hoặc hạn chế sự tiến triển của mức độ đục.
9. Quáng gà và khô mắt:
Là tình trạng thiếu Vitamin A trong chế độ dinh dưỡng, thường gặp ở trẻ em từ 2- 5 tuổi. Nếu không phát hiện sớm và điều trị khỏi sẽ dẫn đến mù lòa. Khô mắt thường bắt đầu hay trở nên nặng nề khi trẻ bị một bệnh khác như: ho gà, ỉa chảy, lao…
Biểu hiện đầu tiên của quáng gà là trẻ không nhìn rõ về chiều, khi ánh sáng kém (trẻ bị vấp đồ đạc trong nhà hoặc ngã ao ở vùng quê…). Về sau mắt sẽ bị khô. Kết mạc mất vẻ bóng láng và bắt đầu nhăn nheo lại. Dần dần có những mảng bong bóng nhỏ màu xám trên kết mạc (vết Bitot). Khi bệnh nặng thêm, giác mạc cũng bị khô và nhanh chóng mềm đi, đục hay phồng lên gây khô nhuyễn giác mạc dẫn đến mù mắt. Để dự phòng, lưu ý nên cho trẻ bú mẹ đến lúc trẻ được hơn 2 tuổi. Sau 6 tháng tuổi bắt đầu cho trẻ thức ăn có nhiều Vitamin A như rau xanh, quả chín, sữa, trứng…
Cần thực hiện tốt chương trình vitamin A tại địa phương. Khi cần thiết nên đưa trẻ đi khám chuyên khoa.
10. Cảm giác ruồi bay:
Đôi lúc những người có tuổi hoặc cận thị hay phàn nàn rằng họ thấy một vài điểm nhỏ màu nâu hoặc đen có hình dạng như mạng nhện, sợi tóc, con muỗi… ở trước mắt khi nhìn lên bầu trời xanh hay nền trắng. Khi mệt mỏi hay căng thẳng lại thấy nhiều hơn nhưng thường không ảnh hưởng đến thị lực. Đó là những điểm vẩn đục dịch kính do sự thoái hóa, xuất tiết của dịch kính.
Hiện tượng này không đáng lo ngại, không có thuốc điều trị đặc hiệu, có thể làm dễ chịu bằng các loại thuốc nhỏ mắt chống đục thủy tinh thể, nước mắt nhân tạo. Về sau các điểm vẫn đục này có khuynh hướng lắng xuống dần không nằm trên trục thị giác.
Tuy nhiên phải lưu ý trường hợp đột ngột nhìn thấy ruồi bay rất nhiều như sương mù trước mắt kèm theo giảm thị lực đột ngột nhất là ở người cận thị thì có thể là dấu tiền triệu của bong võng mạc. Cần khám bác sĩ chuyên khoa ngay lập tức.
11. Song thị:
Là tình trạng nhìn thấy hai hình: Xảy ra đột ngột hay từ từ, thỉnh thoảng hay liên tục, khi thay đổi tư thế hay bất cứ tư thế nào. Cần đến khám chuyên khoa.
TS.BS Nguyễn Hữu Quốc Nguyên