Nhiễm toan Lactic nặng do Phenformin
Khoa Hồi sức tích cực – chống độc điều trị thành công một trường hợp nhiễm toan lactic do sử dụng thuốc Đông dược có chứa phenformin.
Bệnh nhân N.T.G, nữ, 54 tuổi, tiền sử đái tháo đường type 2 và tăng huyết áp gần 10 năm, đang điều trị thuốc ngoại trú thường xuyên. 2 năm gần đây bệnh nhân tự ý chuyển sang dùng thuốc Tiểu đường hoàn để điều trị bệnh đái tháo đường. 2 tháng trước đã phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp do bướu giáp đa nhân.
Ngày 10/6/2019, bệnh nhân vào khoa Cấp cứu bệnh viện C trong tình trạng tỉnh táo, buồn nôn, nôn, mệt mỏi nhiều, thở nặng nhọc, thở nhanh. Khí máu động mạch cho biết bệnh nhân đang có toan chuyển hoá mức độ nặng với pH 6.83, HCO30 2.4, pCO2 15, Kali máu 5.1 mmol/L, chỉ số Lactate máu tăng cao với 18.2 mmol/L, Glucose máu tĩnh mạch 19.1 mmol/L, Ceton niệu âm tính. Creatinine 249 mcmol/L. Bệnh nhân được chẩn đoán toan chuyển hoá nặng, suy thận cấp với bệnh kèm đái tháo đường type 2, tăng huyết áp. Diễn tiến tụt huyết áp vào giờ thứ 9 sau nhập viện, được xử trí với bù dịch tinh thể, dung dịch Natribicarbonate, chuyển khoa HSTC CĐ điều trị tiếp.
Bệnh nhân đến khoa HSTC-CĐ trong tình trạng còn tỉnh, định hướng đúng, mệt nhiều, thở nhanh nông, huyết áp vẫn thấp dù đã được hồi sức dịch theo phác đồ (MAP 45-50 mmHg), khí máu động mạch còn biểu hiện toan nặng(pH 7.01, HCO3- 3.0, pCO2 11), Kali 6.7 mmol/L, Lactate động mạch còn ở mức cao (15.9 mmol/ l). Bệnh nhân đã được đặt nội khí quản, thở máy và lọc máu liên tục (CVVH). Sau 36 giờ điều trị, lâm sàng bệnh nhân cải thiện, tỉnh táo hoàn toàn, ngưng lọc máu liên tục, ngưng thuốc vận mạch, rút ống nội khí quản, ngưng thở máy. Bệnh nhân được chuyển khoa Nội Nội tiết điều trị tiếp và ra viện hơn 2 tuần sau đó.
Nhiễm toan lactic có các triệu chứng thường gặp là buồn nôn, nôn, đau bụng, khó thở. Rối loạn chức năng đa cơ quan cũng có thể gặp mặc dù hiếm như suy thận, suy tim, nhồi máu cơ tim với sốc tim, suy hô hấp, nếu toan chuyển hoá ở mức độ nặng. Trong báo cáo của D. Lufft (Đức) dựa trên phân tích 330 bệnh nhân toan lactic có điều trị với các thuốc nhóm Biguanindes (85% sử dụng Phenformin) từ 1955-1977, tỉ lệ tử vong lên đến 50.3%, hay con số là 42% theo phân tích tổng hợp của Alon J Dembo công bố năm 1975, Canada. Biến chứng toan lactic do Phenformin là thường gặp và đe doạ tính mạng bệnh nhân.
Hình: Thuốc Tiểu đường hoàn hiện đang được lưu hành trái phép trên thị trường.
Tiểu đường hoàn là loại thuốc Đông dược được quảng cáo điều trị bệnh đái tháo đường nhưng có chứa thành phần Phenformin (đã được Viện Pháp Y quốc gia kiểm nghiệm và xác nhận). Phenformin là một trong các thuốc nhóm Biguanides được dùng điều trị cho bệnh nhân đái tháo đường từ những năm 1920, nhưng sau đó đã bị rút ra khỏi thị trường Mỹ và các nước châu Âu vào năm 1977 do tỉ lệ cao gây toan lactic nặng ngay với liều điều trị. Tuy nhiên loại thuốc này vẫn còn tồn tại ở một vài nơi trên thế giới và tử vong do toan lactic liên quan đến sử dụng phenformin vẫn còn được báo cáo ở một số nước, kể cả Canada do tự ý sử dụng không theo đơn bác sĩ. Tại Việt Nam, các bệnh viện phía Bắc và phía Nam cũng đã có các báo cáo về các ca lâm sàng nhiễm toan lactic ở người bệnh đái tháo đường có sử dụng Tiểu đường hoàn. Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế đã vào cuộc điều tra và Bộ Y tế đã có văn bản chính thức cấm sản xuất vàlưu hành đối với Tiểu đường hoàn từ tháng 03/2019.
Cộng đồng cần được nâng cao nhận biết về tác hại gây ra do Tiểu đường hoàn nói riêng và các thuốc không rõ nguồn gốc nói chung, tránh tự ý sử dụng thuốc điều trị không theo ý kiến bác sĩ và cần đến khám định kì theo lời khuyên của bác sĩ để đạt hiệu quả điều trị bệnh đồng thời giảm thiểu tối đa nguy cơ tai biến, tác dụng phụ do thuốc.
Tài liệu tham khảo
1. Luft D, Schmulling RM, Eggstein M. Lactic acidosis in biguanidetreated diabetics: a review of 330 cases. Diabetologia 1978;14:75–87.
2. Dembo AJ, Marliss EB, Halperin ML. Insulin therapy in phenformin-associated lactic acidosis. Diabetes 1975;24:28–35.
3. Shun C. Kwong, MD* and Jeffrey Brubacher, MD, FRCPC (EM). PHENFORMIN AND LACTIC ACIDOSIS: A CASE REPORT AND REVIEW. The Journal of Emergency Medicine, Vol. 16, No. 6, pp. 881–886, 1998.
Khoa Hồi sức tích cực – chống độc – Bệnh viện C Đà Nẵng