VỀ THĂM THÀNH CỔ
Quảng Trị, ngày: 22/7/2023
Sáng tác: Võ Xuân Việt
Có nơi đâu trên trái đất này
Mỗi tấc đất, mỗi con người… là thành đồng tổ quốc
Mặc cho kẻ thù trút trăm ngàn bom đạn
Vẫn hiên ngang trung dũng kiên cường
Để hôm nay một ngày tháng Bảy
Khi mặt trời bừng sáng buổi bình minh
Nơi đất thiêng những ngày lịch sử
Ta trở về nơi ấy thật yên bình
Thành cổ ngày xưa đang đứng đó
Đất anh hùng biết bao người ngã xuống
Tuổi thanh xuân ngày ấy anh gửi lại
Cho đất trời mãi mãi một màu xanh
Từng Giọt máu trong Anh tô hình đất nước
Dáng hiên ngang sừng sững giữa đất trời
Chiến công anh xin gửi lại muôn đời
Để đất nước mình mãi mãi được bình yên!
Đây là những dòng thơ viết vội của một đồng chí Chi bộ chúng tôi trên xe trong vòng vài phút ngay sau cuộc viếng thăm Thành cố Quảng Trị trên HÀNH HƯƠNG VỀ NGUỒN do Đảng bộ Bệnh viện C Đà Nẵng tổ chức. Thực sự chúng tôi có rất nhiều cảm xúc không thể nói thành lời trên hành trình ý nghĩa này, một xúc cảm khó tả: vui mà buồn, bi ai mà hùng tráng, vô cùng biết ơn, vô cùng cảm động, xót xa mà cũng rất đỗi tự hào, chúng tôi càng cảm thấy yêu hơn quê hương đất nước mình. Đời đời biết ơn các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh bảo vệ quê hương đất nước bảo vệ nền độc lập toàn vẹn lãnh thổ cho con cháu mai sau.
Trong hành trình ngắn ngũi trong 2 ngày 1 đêm (22 – 23/7/2023) từ Đà Nẵng ra Quảng Trị, chúng ta được ghé thăm hai địa điểm: Thành cổ Quảng Trị – Di tích quốc gia đặc biệt và Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Trường Sơn. Chúng ta có cơ hội lật lại những trang sử vàng trong đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Quảng Trị nói riêng và toàn thể dân tộc Việt Nam nói chung.
Ngay khi đặt bước chân đầu tiên vào Thành Cổ Quảng Trị, tôi nghẹn ngào khi đọc vài câu thơ được khắc trên bia đá ngay vị trí cổng vào của tác giả Phạm Đình Lân:
“Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ
Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió
Ru mãi bài ca Bất tử đến vô cùng”.
Hình 1: Bia đá trong Thành cổ Quảng Trị
Không ai nghĩ tới, mảnh đất với diện tích vỏn vẹn chỉ chưa đầy 3km2 trong 81 ngày đêm ((28-6-1972 – 16-9-1972) đã phải hứng chịu lượng bom đạn tương đương với sức công phá của 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống thành phố Hirosima Nhật Bản năm 1945, trong khi đó ở thế chiến chiến II, một đất nước Nhật Bản với quân đội hùng mạnh đến vậy nhưng với sức công phá hủy diệt của 2 quả bom nguyên tử đã vội vã đầu hàng không điều kiện trước quân đội đồng minh. Thị xã Quảng Trị trong 81 ngày đêm từ 28/6/1972 đến 16/9/1972 được ví như một túi bom. Trung bình mỗi ngày địch huy động 150 – 170 lần máy bay phản lực, 70 – 90 lần chiếc B52 để ném bom huỷ diệt thị xã và Thành Cổ Quảng Trị. Với diện tích chưa đầy 3 cây số vuông, trong 81 ngày đêm thị xã và Thành Cổ Quảng Trị phải gánh chịu 328.000 tấn bom đạn, trung bình mỗi chiến sĩ của ta phải gánh chịu 100 tấn bom, 200 quả đạn pháo. Và dù trên mình mang đầy thương tích nhưng những chiến sĩ, những anh hùng cách mạng vẫn chiến đấu ngoan cường, quyết không rời trận địa, quyết bảo vệ trận địa đến hơi thở cuối cùng. Báo Quân đội nhân dân ra ngày 9/8/1972 đã viết: “Mỗi mét vuông đất mà các chiến sĩ ta giành được ở Thành Cổ Quảng Trị thực sự là một mét vuông máu”. Trong 81 ngày đêm ấy, hàng ngàn chiến sĩ hy sinh tại đây chưa lấy được hài cốt vì khói lửa bom đạn quá nhiều, xương máu các anh đã hòa quyện vào gạch đá đổ nát, hàng vạn các chiến sĩ bất chấp hiểm nguy, vượt con sông Thạch Hãn, vượt qua mưa bom bão đạn, chỉ một mục tiêu tiến đến giữ được Thành cổ Quảng Trị.
Chúng tôi sinh ra và lớn lên khi đất nước hòa bình, không thể hiểu hết nhưng vất vả, khó khăn, sự hi sinh cao cả của lớp lớp anh hùng liệt sĩ đi trước, nhưng khi nghe bài diễn văn về ý nghĩa của “ nấm mồ chung” nằm ngay giữa lòng Thành cổ và bức thư của của liệt sĩ Lê Văn Huỳnh, quê xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương (Thái Bình) gửi cho gia đình trong những ngày chiến đấu ác liệt bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, đã lấy đi nhiều nước mắt của nhiều đồng chí trong Đảng bộ.
Ẩn sâu trong 10 trang thư hoen ố màu thời gian ấy, là những câu chuyện cảm động của những lời dự cảm về ngày ra đi, là tình thương gửi đến mẹ yêu, là nghĩa vợ chồng sâu đậm, tình cảm của những người thân trong gia đình. Và trên hết, là lý tưởng “Tổ quốc cần sẵn sàng hiến thân mình” mà không chút đắn đo. Bức thư như một thông điệp gửi đến mai sau hãy biết “sống đẹp, sống có ích”, sống có lý tưởng, ước mơ và có giá trị giáo dục không những cho hôm qua, hôm nay và mãi mãi cho muôn đời sau.
Hình 2: Bức thư trong Thành cổ Quảng trị
Hình 3: Đảng bộ Bệnh viện C Đà Nẵng chụp hình lưu niệm tại Thành cổ Quảng Trị
Tôi không thể nhớ rõ đây đã lần lần thứ bao nhiều tôi ghé thăm Thành cổ, nhưng lần nào cảm xúc vẫn vậy, xúc động, tự hào, biết ơn, và càng đau lòng cho những anh hùng liệt sĩ đã hi sinh vì độc lập tự do của dân tộc.
“Cỏ non Thành Cổ, một màu xanh non tơ
Bình minh Thành Cổ, cỏ mềm theo gió đong đưa
Cỏ non Thành Cổ, một màu xanh non tơ
Nào có ai ngờ nơi đây một thời máu đổ
Người vợ nào, người mẹ nào ngậm ngùi nuốt lệ khi chồng con không trở về
Cho tôi hôm nay vào Thành Cổ
Thắp một nén nhang viếng người nằm dưới cỏ
Cỏ xanh non tơ, cỏ xanh non tơ
Xin chớ vô tình với người hy sinh trên mảnh đất quê mình…”
Khi lắng nghe những câu hát của nhạc sĩ Tân Huyền khi đang đứng tròng lòng Thành cổ thực sự có một cảm giác vô cũng khác biệt, từng câu từng từ của bài hát như đã chạm vào trái tim tôi, ngay khi giọng hát của nữ ca sĩ cất lên, tôi đã lập tức nổi da gà, không từ ngữ nào có thể diễn tả cảm xúc của tôi lúc ấy.
Lễ kết nạp của ba Đảng viên mới được diễn ra tại Thành cổ, trước cờ Tổ Quốc, cờ Đảng, chân dung của chủ tịch Hồ Chí Minhvà sư chứng kiến của toàn thể Đảng viên của Đảng bộ, trong không khí trang nghiêm, lời tuyên thệ của các Đảng viên mới vang vọng, đó là khoảnh khắc không bao giờ quên được trong ký ức của mọi người trong ngày hôm đó.
Hình 4. Lễ kết nạp Đảng viên mới tại Thành cổ Quảng Trị
Trong buổi chiều hoàng hôn ngày 22/7/2023, chúng tôi được ghé thăm Bến thả hoa bên dòng sông Thạch Hãn: Xinh đẹp và yên bình, nhưng nơi đây đã từng có lớp lớp anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống, thân thể hòa vào lòng sông Thạch Hãn, mãi mãi hy sinh ở tuổi đôi mươi.
Cựu chiến binh Lê Bá Dương ngày hòa bình trở về chất đầy một thuyền hoa huệ trắng thả xuống sông viếng bạn bè, và từ tim anh, những câu thơ yêu thương ứa máu dành cho đồng đội:
“Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm…”.
Hình 5. Lễ thả hoa đăng trên dòng sông Thạch Hãn
Cuộc chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị kéo dài 81 ngày đêm (từ 28/6 đến 16/9/1972), gắn với dòng sông Thạch Hãn đầy bi tráng đã đi vào lịch sử như bản hùng ca bất tử, lay động lương tri loài người, trở thành biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, mãi mãi khắc ghi trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Trong cuộc đọ sức quyết liệt giữa ta và địch ấy, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và sự chỉ đạo sâu sát của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Chiến dịch cùng với tinh thần chiến đấu hy sinh dũng cảm, quên mình và cách đánh sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ, Thành Cổ không những đã đứng vững dưới mưa bom, bão đạn của kẻ thù.
Nơi cuối cùng chúng tôi ghé thăm trước khi trở về với Đà Nẵng là Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn.
Hình 6. Một số hình ảnh tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn.
Vào tháng Bảy, hàng vạn người dân cả nước về đây thắp nén tâm nhang thành kính dâng lên những người con đã ngã xuống vì Tổ quốc. Chiến tranh đã lùi xa vài thập kỷ, những đau thương mất mát mà chiến tranh để lại không thể phai mờ. Trời Quảng Trị trong xanh, nhiều mây, hàng ngàn người khắp mọi miền Tổ quốc hiện ở đây, nhưng chẳng gây bao nhiêu tiếng động, chỉ khe khẽ nói, khe khẽ đi, chỉ sợ làm phiền đến các anh hùng liệt sĩ đang yên nghỉ ở nơi đây, trên mảnh đất hùng thiêng nầy. Dẫu đã nghe nhiều về Nghĩa trang Trường Sơn nhưng đến đây mới thấy nơi này rộng lớn quá. Đứng trước hơn 10.263 ngôi mộ liệt sĩ nằm cạnh nhau, trải dài trên đồi núi mênh mông, càng cảm nhận rõ hơn sự hy sinh lớn lao của các anh, các chị để giành lại độc lập cho dân tộc. Họ là những người con trai, con gái từ khắp các miền quê VN và họ ngã xuống khi mới bước vào tuổi mười tám, đôi mươi, còn nhiều hoài bão chưa kịp thực hiện, tuổi thanh xuân vĩnh viễn nằm lại đó, theo tiếng gọi của Tổ quốc. Bao nhiêu điều hiện hữu trước mắt khiến chúng tôi không khỏi nghẹn lòng, càng thấu hiểu thêm về giá trị của hòa bình, độc lập.
Hình 7. Một số hình ảnh tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn (tiếp theo).
Trân trọng cảm ơn Đảng bộ Bệnh viện C Đà Nẵng đã tổ chức cuộc Hành Hương về nguồn nhiều ý nghĩa và cảm xúc cho toàn thể Đảng viên trong Bệnh viện vào những ngày cuối tháng 7, tháng cả nước tri ân các Anh hùng Liệt sĩ. Hi vọng trong thời gian tới, Đảng bộ tổ chức nhiều hơn các chuyến đi “Về nguồn” như vậy, đây là cơ hội để mọi người tìm hiểu về lịch sử vẻ vang của dân tộc, cơ hội gắn kết tập thể, đồng thời thưởng thức ẩm thực của nhiều vùng miền khác nhau trên khắp cả nước.
Đảng viên Chi bộ 2