BỆNH VIỆN C ĐÀ NẴNG HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 50 NĂM GIẢI PHÓNG THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG (29/3/1945-29/3/2025)
BỆNH VIỆN C ĐÀ NẴNG HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 50 NĂM GIẢI PHÓNG THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG (29/3/1945-29/3/2025)
Kỷ niệm 50 năm giải phóng Thành phố Đà Nẵng (29/3/1945-29/3/2025), Bệnh viện C Đà Nẵng phối hợp với Ban Liên lạc Ban Dân Y khu V long trọng tổ chức buổi gặp gỡ thân mật nguyên cán bộ Y tế Bệnh viện I, Bệnh viện II thuộc Khu Uỷ V vào chiều ngày 27/3/2025.
Hình 1. Ban Dân y khu V-tiền thân của Bệnh viện C Đà Nẵng ngày nay
Bệnh viện C Đà nẵng ngày nay, là đơn vị duy nhất còn lại của Ban dân y Khu Trung trung bộ (Khu V cũ) và các Bệnh viện I, Bệnh viện II, Khu ủy khu V. Tháng 3 năm 1975, ngay sau ngày giải phóng, Ban Dân y Khu V, Bệnh viện I, Bệnh viện II từ chiến khu về cùng với các nhân viên y tế còn ở lại tiếp quản trọn vẹn và toàn bộ Bệnh viện Việt Đức Đà Nẵng (do hội MALTERSER CHLB Đức xây dựng năm 1968) vốn là một bệnh viện dã chiến chủ yếu là điều trị ngoại khoa nằm trên khu đất rộng hơn 5 héc-ta giữa thành phố Đà Nẵng. Thường vụ khu ủy 5 quyết định lấy Bệnh viện Việt Đức Đà Nẵng làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cán bộ Khu 5, đặt tên là Bệnh viện C.
Hình 2. Chương trình văn nghệ chào mừng
Hình 3. Phút mặc niệm tưởng nhớ các chiến sĩ đã khuất
Hình 4. Những cầu chuyện hào hùng qua lời kể của “nhân chứng sống”
Buổi gặp mặt diễn ra trong không khí phấn khởi và đầy xúc động. Các đồng chí, đồng đội ngày xưa nay đã là những cán bộ hưu trí, gặp nhau sau bao nhiêu thập kỷ xa cách. Những thước phim chậm rãi được quay lại, những câu chuyện hàng huyên xuyên suốt chiều dài lịch sử đất nước càng làm hiện hữu những năm tháng hào hùng không thể nào quên của một thời thanh xuân mà các chiến sĩ áo trắng ngày ấy đã trải qua. Tham dự buổi lễ còn có các đại diện của các đoàn thể bệnh viện, lãnh đạo các khoa, phòng, trung toàn viện và đặc biệt là sự có mặt của các đồng chí là uỷ viên Ban chấp hành Đảng Bộ Bệnh viện. Đây là một trong những niềm vinh dự khi lớp thế hệ sau được gặp gỡ, được ôn lại những giá trị truyền thống của chính nơi mình đang tận tâm cống hiến.
Hình 5. Thế hệ Thanh niên tham gia toạ đàm cùng các bác
Hình 6. Các chiến sĩ của Ban Dân y khu V ngày trước
Chương trình được tiếp tục diễn ra vào ngày hôm sau tại Khu tưởng niệm Liệt sĩ Dân Y khu V, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam. Nơi đây đã chứng kiến sự hy sinh oanh liệt của các chiến sĩ-y bác sĩ. Hoạt động này thu hút hơn 100 cán bộ y bác sĩ dân y ngày ấy cùng tham gia với sự hỗ trợ của Công đoàn, đoàn Thanh niên Bệnh viện C Đà Nẵng. Dưới màu cờ của Tổ quốc, dưới tượng đài Nghĩa trang các liệt sĩ, đoàn công tác kính cẩn cúi đầu tri ân những hy sinh, mất mát mà các chiến sĩ đã nằm lại để ngàn đời sau có hoà bình như ngày hôm nay.
Hình 7. Khu tưởng niệm Liệt sĩ Dân y khu V
Hình 8. Khu di tích Bộ Tư lệnh Quân khu V
Hình 9. Khoảng cách thế hệ giao thoa bởi lịch sử
Hình 10. Đoàn Thanh niên Bệnh viện C Đà Nẵng cúi đầu trước anh linh các linh hồn Liệt sĩ.
Hoà chung với niềm vui của các cô chú, Ban Giám đốc Bệnh viện đã chỉ đạo thực hiện chương trình hoà nhạc, giao lưu văn nghệ tại sân vườn bệnh viện mang tên ‘Tổ quốc gọi tên mình”. Giai điệu hào hùng của dân tộc vang lên trong những ngày này đã thu hút đông đảo bệnh nhân và cán bộ Bệnh viện cùng tham gia hoạt động. Chính điều này đã góp phần trong việc chăm sóc và điều trị tinh thần cho bệnh nhân, nhất là đối tượng bệnh nhân tại Bệnh viện C Đà Nẵng là những người lớn tuổi, người có công với cách mạng và cán bộ Trung cao cấp thuộc các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên.
Hình 11. Buổi hoà nhạc “Tổ quốc gọi tên mình” thu hút đông đảo người bệnh tham gia
Hình 12. Cô bệnh nhân ngâm thơ góp vui trong buổi giao lưu âm nhạc
Những hoạt động sôi nổi được tổ chức tại Bệnh viện nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của Thành phố, của đất nước là dịp để cán bộ, viên chức Bệnh viện C Đà Nẵng, đặc biệt là thế hệ thanh niên được học hỏi, được tìm hiểu về những giai đoạn lịch sử máu lửa của các cô, các chú để từ đó khơi dậy lòng tự hào của lớp trẻ đời sau về những nền tảng mình được kế thừa ngày hôm nay. Lịch sử được nghe kể từ chính những nhân vật “lịch sử”, có lẽ sẽ không bao giờ bị lãng quên.