Nước Oa – Hành trình về nguồn
“Cây có gốc mới nở cành xanh lá,
Nước có nguồn mới bể cả sông sâu.
Người ta nguồn gốc từ đâu,
Có tổ tiên trước rồi sau có mình.”
Câu ca dao nói lên một điều đáng quý của người dân tộc Việt Nam, dù sinh ra ở đâu trên mảnh đất chữ S này, với những người là nguồn cội, là người khai sinh, là người thành lập, là những người đã cống hiến, hy sinh vì Độc lập, Tự do của Tổ quốc… Với chúng tôi, những người con được hưởng thành quả của thế hệ ông cha để lại luôn luôn có một lòng tri ân sâu sắc mỗi dịp đặc biệt của quê hương.
Sáng thứ bảy, ngày 23 tháng 7, một buổi sáng trong lành như bao buổi sáng khác, nhưng có một hình ảnh khác hẳn những ngày qua. Toàn thể đảng viên Chi bộ 3, của toàn Đảng bộ đều tập trung đông đủ trước cổng bệnh viện với sự nhộn nhịp hơn không gian thường lệ. Đó là sự chuẩn bị cho chuyến đi “Về nguồn” sau hơn 2 năm chống dịch căng thẳng. Lần này chúng tôi đến Khu di tích lịch sử cách mạng Trung Trung bộ – Nước Oa (hay thường được gọi là Khu di tích Nước Oa) nằm trên địa bàn xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam. Đây là căn cứ địa cách mạng của cơ quan Khu ủy khu V, Bộ Tư lệnh Quân khu V và các cơ quan ban, ngành, đoàn thể khu V trong kháng chiến chống Mỹ (giai đoạn 1960 -1973).
Cũng như các đồng chí đảng viên trẻ hay các bạn đoàn viên trong Ban Chấp hành Đoàn thanh niên tham gia chuyến đi kỳ này đó là một sự vinh dự to lớn của chúng tôi. Bởi vì đây là nơi giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ trẻ khu vực miền Trung – Tây Nguyên trong thời bình. Khi về đây cũng là khi chúng tôi – thế hệ trẻ trở về nguồn cội, sống lại tinh thần yêu nước của cha ông để tri ân, noi gương và tiếp bước tinh thần ấy.
Chuyến đi kéo dài gần 3 tiếng đồng hồ, vượt qua bao ngọn đồi, núi. Ngồi cạnh cửa sổ tôi nhìn thấy được sự hùng vỹ của đất nước mình, chưa đến nơi nhưng cũng đủ làm cho lòng tôi thổn thức. Giờ con đường di chuyển đã dễ dàng hơn với bê tông, đường nhựa, cao tốc. Không biết trước đây ông cha ta phải trèo đèo lội suối như thế nào, có lẽ đó là cả một ngày trời với một ít lương thực trên lưng. Chỉ có một tinh thần thép thì mới có thể chiến thắng được con đường gian khổ ấy.
Sau hành trình chuyến xe đã dừng lại trước Bia tưởng niệm liệt sĩ Dân Y khu V, đây là địa chỉ truyền thống của cách mạng và của ngành y, qua bài diễn văn của đồng chí Bí thư Đảng ủy, Giám đốc bệnh viện, trong lòng chúng tôi càng hiểu và thấu rõ hơn được sự gian khổ, rèn luyện ý chí của thế hệ ông cha của chúng ta đã hy sinh nhưng vẫn với ý chí kiên cường – dù điều kiện còn khó khăn thiếu thốn về mọi mặt, bom đạn ngày đêm dày xéo, nhưng chính nơi đây là nơi đã sản sinh ra những thầy thuốc giỏi có chuyên môn kinh nghiệm. Tại đây các thầy thuốc Ban Quân – Dân y Khu V đã góp công rất lớn để chăm sóc bảo vệ sức khỏe bộ đội cũng như cấp cứu, điều trị cho các thương bệnh binh. Nơi đây từng là nơi chiến trường ác liệt nhưng cũng là nơi đã ghi nhận những chiến sỹ ngành Y cha anh chúng tôi chiến đấu kiên cường bảo vệ thương binh, đồng đội, nhân dân. Nơi đây các chiến sĩ áo trắng đã bất chấp hiểm nguy, ngày đêm bám bộ đội, bám cơ sở, bám chặt núi rừng để xây dựng mạng lưới y tế ngày càng rộng khắp, xuống từng huyện, từng xã trong thôn bản. Trong hầm tối, giữa rừng sâu, những ca mổ sống, những lớp đào tạo, tập huấn nghiệp vụ cấp tốc với tinh thần “cần gì học nấy”, “thà yếu hơn thiếu” đã lần lượt được tổ chức, kịp thời bổ sung cho chiến trường hàng trăm nhân viên y tế.
Thắp những nén nhang, đặt những đóa hoa với sự cảm phục của chúng tôi trước sự linh thiêng và tinh thần cao quý của lớp lớp cha ông của Ban Dân Y khu V để lại. Với lòng tri ân sâu sắc để cảm thấy bước chân mình hiện tại còn nhỏ bé. Nhìn lại mình để thấy sự ngưỡng mộ các thế hệ cha anh đi trước, mà dặn lòng phải biết phấn đấu hơn, phải cố gắng hơn nữa, tránh nhụt chí, ỳ lầy. Luôn sẵn sàng trong mình tinh thần chiến đấu không quản ngại khó khăn, cần ra sức học tập hơn nữa đề không phụ lòng thành quả mà lớp lớp cha anh đã ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc, để cho thế hệ trẻ chúng tôi có được cuộc sống, học tập và làm việc như ngày hôm nay.
Chúng tôi quay lại Khu di tích nước Oa vào buổi chiều, đây là căn cứ Khu V là nơi ghi đậm dấu ấn của các anh hùng dân tộc. Nước Oa được biết đến là cái nôi của cách mạng miền Trung – Tây Nguyên. Đây là nơi Khu Ủy và các cơ quan ban ngành, đoàn thể khu V đã từng đặt cơ quan làm việc, lãnh đạo phong trào đấu tranh cách mạng. Đây cũng là nơi thành lập tổng đội thanh niên xung phong Nguyễn Văn Trỗi đầu tiên ở miền Trung – Tây Nguyên. Nơi đây chúng tôi được đến thăm nhà ở và nơi làm việc của các đồng chí Võ Chí Công, Chu Huy Mân, Võ Thứ… Cảm giác trong thế hệ trẻ sục sôi khi được nghe về những chiến tích, những khó khăn gian khổ khi hoạt động tại Khu căn cứ này của thế hệ trước, khơi gợi trong tôi một lòng tự hào dân tộc.
Thông qua chuyến đi, các đồng chí đảng viên trong Chi bộ 3 chúng tôi nhận thức sâu sắc hơn về những giá trị lịch sử của khu di tích Nước Oa, cảm nhận rõ nét những tháng ngày đấu tranh gian khổ của các vị anh hùng dân tộc, từ đó khơi gợi lòng tự hào dân tộc, ý chí quyết tâm phấn đấu lao động, học tập và rèn luyện bản thân, nỗ lực hơn nữa trong công tác và cuộc sống để đóng góp sức mình vào sự phát triển phồn vinh của đất nước, không phụ công lao to lớn của biết bao anh hùng liệt sĩ đã hy sinh để mang lại cuộc sống bình yên ngày hôm nay. Bên cạnh đó, chuyến tham quan học tập còn là cơ hội để các đồng chí trong Chi bộ có những giây phút trải nghiệm cùng nhau, tạm gác lại những bận rộn hằng ngày để cùng ngồi bên nhau giao lưu, học tập, qua đó thắt chặt tình đoàn kết và tạo nguồn động viên, khích lệ tiếp tục cùng nhau hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Dưới đây là một số hình ảnh đáng nhớ.
Chi bộ 3 thăm dâng hương tưởng niệm tại bia tưởng niệm liệt sĩ dân y khu V
Chi bộ 3 đến thăm khu di tích Nước Oa và sinh hoạt chi bộ tháng 7
Trần Minh Ẩn
Chi bộ 3 – Đảng bộ bệnh viện C Đà Nẵng