HỘI THẢO CHUYÊN ĐỀ “NHIỄM KHUẨN BỆNH VIỆN VÀ ĐA KHÁNG KHÁNG SINH”

HỘI THẢO CHUYÊN ĐỀ “NHIỄM KHUẨN BỆNH VIỆN VÀ ĐA KHÁNG KHÁNG SINH”

    Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV) và đa kháng kháng sinh là thách thức và mối quan tâm hàng đầu trên toàn thế giới, gây hậu quả nặng nề như kéo dài thời gian điều trị, tăng chi phí chăm sóc sức khỏe và tăng tỷ lệ tử vong. Tại Việt Nam, theo thống kê 2018 của Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế, tỷ lệ NKBV chiếm 3,6%. Vi khuẩn đa kháng thuốc được định nghĩa là vi khuẩn có khả năng chống lại nhiều loại kháng sinh, được chia làm 3 nhóm: MDR (Multi-Drug Resistance- đa kháng thuốc VK đề kháng với ít nhất một kháng sinh ở ít nhất ba nhóm kháng sinh), XDR (Extensive-Drug Resistance- kháng thuốc mở rộng là đề kháng với ít nhất một kháng sinh ở tất cả các nhóm nhưng vẫn còn nhạy với một hoặc hai nhóm kháng sinh hiện có), PDR (Pan-Drug Resistance- toàn kháng là đề kháng với tất cả các kháng sinh ở tất cả các nhóm kháng sinh hiện có). Vì vậy, cần có những biện pháp can thiệp kịp thời nhằm góp phần nâng cao chất lượng điều trị, nâng cao nhận thức về kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện trong thực hành khám chữa bệnh.

   Sau 6 năm triển khai thực hiện thông tư 16/TT-BYT, chiều ngày 06/11/2024, bệnh viện C ĐN tổ chức Hội thảo chuyên đề “Nhiễm khuẩn bệnh viện và đa kháng kháng sinh” với sự tham gia của tất cả các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên toàn viện, nhằm đánh giá bức tranh toàn cảnh về nhiễm khuẩn bệnh viện và đa kháng kháng sinh, từ đó đưa ra những giải pháp phù hợp thực tiễn bệnh viện.

Hình 1: BSCKII. Nguyễn Trọng Thiện- Giám đốc Bệnh viện phát biểu khai mạc

   Ba chuyên đề tổng quan được trình bày: “Báo cáo các loại vi khuẩn đa kháng kháng sinh tại BVC ĐN năm 2024”; “Nhiễm khuẩn bệnh viện và đa kháng kháng sinh tại Khoa HSTC-CĐ Bệnh viện C Đà Nẵng”; “Các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn đã triển khai nhằm giảm thiểu tình trạng đa kháng kháng sinh trong 9 tháng đầu năm 2024. Các biện pháp cần triển khai thời gian tới”. Sáu bài tham luận về các giải pháp thực tiễn nhằm giảm thiểu tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện và đa kháng kháng sinh từng khoa, phòng, trung tâm.

Hình 2: Phần tham luận của các Khoa/Phòng/Trung tâm

   Các chuyên đề và tham luận, đã cung cấp những thông tin khoa học vừa phổ quát, vừa thực tiễn, phù hợp với bối cảnh thực tế tại Đà Nẵng nói chung và BVC nói riêng. Qua đây, các đại biểu tham dự có dịp thẳng thắn nhìn lại những thiếu sót tồn tại khách quan và chủ quan và cùng thảo luận để xây dựng những giải pháp thực sự cụ thể, có chiều sâu, nêu bật vai trò của yếu tố con người trong vấn đề giảm thiều nhiễm khuẩn bệnh viện và đa kháng kháng sinh tại các đơn vị. Các biện pháp phòng ngừa chuẩn, phòng ngừa theo đường lây truyền sẽ giảm thiểu tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện, nâng cao chất lượng điều trị và đặc biệt trong các vụ dịch địa phương cũng như toàn cầu. Các giải pháp đã được triển khai nhìn chung bao gồm: tăng cường vệ sinh cá nhân và môi trường; sử dụng kháng sinh hợp lý; cách ly bệnh nhân nhanh chóng, hiệu quả; giáo dục và đào tạo cho nhân viên y tế nhằm liên tục nâng cao chuyên môn trong sử dụng kháng sinh kịp thời, hợp lý; giám sát và quản lý nhiễm khuẩn; nghiên cứu và phát triển đặc biệt là hiện đại hóa khoa Vi sinh và khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn.

   Giám đốc Nguyễn Trọng Thiện đã phát động phong trào thực hiện đúng các quy trình “phòng ngừa chuẩn” để kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện. Phong trào đã được hưởng ứng với tinh thần nhất trí cao của các nhân viên tham gia. Hội thảo đã kết thúc thành công, đóng góp nhiều giải pháp mới thiết thực trong công tác phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện và đa kháng kháng sinh, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng.