HÀNH TRÌNH VỀ NGUỒN-THẮP NÉN HƯƠNG LÒNG
Tháng 7 – tháng tri ân, Ngày 27/7 đã đi vào lịch sử đất nước như một dấu ấn nhắc nhở mọi người con đất Việt về truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa”. Với mỗi hội viên Hội Cựu Chiến binh Bệnh viện C Đà Nẵng, tháng 7 về trong niềm rưng rưng và xúc động. Là tháng của những tưởng nhớ và hoài niệm hướng về những người con ưu tú đã hiến dâng tuổi thanh xuân và cả cuộc sống của mình vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Có tuổi đôi mươi trẻ trung phơi phới đã gửi lại nơi chiến trường bao ước mộng còn dở dang. Có những dòng nhật ký với nét chữ mới vừa viết vội. Có những lá thư tình chưa kịp gửi trao. Có những dự định mãi không thể hoàn thành… Tất cả đã dệt nên một khúc tráng ca về ý chí, lòng quả cảm, về vẻ đẹp bất tử mang tên anh hùng thời đại Hồ Chí Minh đã đi vào lịch sử, được Tổ quốc đời đời khắc ghi.
Nhân kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 -27/7/2024), Đảng bộ Bệnh viên C Đà Nẵng tổ chức Hành trình về nguồn Dâng hương, Dâng hoa, thăm các di tích lịch sử trên địa bàn hai tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình. Hành trình kéo dài từ sáng ngày 20 tháng bảy kết thúc vào tối 21 tháng bảy năm 2024 với sự tham gia của gần 200 thành viên gồm Đảng ủy, Ban Giám đốc, Đảng viên trong toàn Đảng bộ, Ban Thường vụ Công đoàn, Ban chấp hành Đoàn thanh niên, trong đó có 8 hội viện Hội Cựu chiến binh Bệnh viện cùng tham gia. Đoàn do đồng chí Nguyễn Trọng Thiện – Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện làm Trưởng đoàn đặc biệt có sự đồng hành của các đồng chí trong Ban thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan thành phố Đà Nẵng.
Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước với tinh thần yêu nước nồng nàn, với ý trí kiên cường, bất khuất và lòng thuỷ chung sau trước của dân tộc, biết bao thế hệ các anh hùng đã đem cả xương máu, công sức của mình để đấu tranh gìn giữ độc lập, tự do và thống nhất Đất nước. Kế thừa truyền thống của dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng và đặc biệt là Bác Hồ kính yêu, nhân dân ta đã nêu cao tinh thần yêu nước nồng nàn, để viết lên những trang sử vẻ vang và hào hùng trong các cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm.
Điểm đến đầu tiên của Đoàn tại tỉnh Quảng Trị, Đoàn đã đến dâng hương, dâng hoa tại Nghĩa trang Quôc gia Trường Sơn.
Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn tọa lạc trên khu đồi Bến Tắt, cạnh đường quốc lộ 15, thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh. Đây là nơi tưởng niệm, tôn vinh những người con thân yêu của tổ quốc đã anh dũng hy sinh xương máu của mình trên các nẻo đường Trường Sơn vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn là nơi quy tụ 10.333 phần mộ của các liệt sỹ; có tổng diện tích 140.000m2; trong đó, diện tích đất mộ là 23.000m2, khu tượng đài 7.000m2, khu trồng cây xanh 60.000m2, khu hồ cảnh 35.000m2 và mạng đường ô tô rải nhựa trong khuôn viên nghĩa trang 15.000m2. Phần đất mộ được phân thành 10 khu vực chính.
Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn là nơi an nghỉ đời đời của các chiến sĩ đã hy sinh trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trong thời kì chống Mỹ cứu nước. Đây là một công trình đền ơn đáp nghĩa đồ sộ nhất, quy mô nhất có tính nghệ thuật cao, thể hiện lòng thương nhớ sâu sắc, niềm biết ơn và sự tôn vinh thầm kín của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đối với những người con yêu quý trên mọi miền đất nước đã không tiếc máu xương cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng và thống nhất đất nước.
Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn ngày nay không chỉ là nơi an nghỉ của các anh hùng liệt sỹ mà còn là nơi suy tôn, là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của tinh thần, ý chí đấu tranh giành độc lập và khát vọng hòa bình của nhân dân ta
Thành kính dâng hương trước các khu mộ tại Nghĩa trang Anh hùng Liệt sỹ Trướng Sơn
“Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn
Nơi gặp gỡ những người con
Thời gian không thêm tuổi
Nơi chiến trường và hậu phương xích lại
Tên liền dòng trên bia đá xanh
Ngày sinh và ngày hy sinh
Cách nhau nửa quãng đời tuổi trẻ.”…
… “ Không đủ vạn bông hoa
Cắm lên mộ từng người đồng chí
Tôi bước nhẹ bằng đôi chân chiến sĩ
Đến cúi đầu trước mỗi dòng tên
(Trích trong bài thơ Ở nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn của nhà thơ Vương Trọng)
Điểm đến tiếp theo của Đoàn là Khu di tích Thành cổ Quảng Trị đoàn đã dâng hương, dâng hoa tại Đài tưởng niệm Thành cổ. Tại nơi đây 52 năm về trước, cuộc chiến đấu anh dũng trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị đã đi vào lịch sử như bản tráng ca hào hùng của cả dân tộc, cả thế giới biết đến qua những ngày đêm chiến đấu đầy khốc liệt. Cũng tại nơi đây đoàn thả bè hoa, đèn hoa đăng tưởng nhớ các Anh hùng liệt sỹ tại bờ Nam sông Thạch Hãn.
“ Đêm Tri ân khoé mắt cay cay
Lặng lẽ nến hoa thả xuống sông Thạch Hãn
Các anh ơi lòng biết ơn vô hạn
Giọt nước mắt trào theo cùng Nến và Hoa
Đất Quảng Trị nơi đã thành ngôi nhà
Các anh ơi linh thiêng nằm lại
Dưới cỏ – Đáy sông: Đất Thành Cổ vẫn mãi
Nơi các anh nằm mãi mãi tuổi 20.”
(Trích thơ của tác giả Trần Thị Thuớ trong tuyển tập 20 bài thơ hay về Quảng Trị)
Thành kính tưởng niệm, dâng hoa Anh hùng Liệt sỹ Thành cổ Quảng Trị
Thả bè hoa, hoa đăng trên bờ nam, song Thạch Hãn
Ngày tiếp theo Đoàn tiếp tục hành tới Vũng Chùa – Đảo Yến thuộc địa phận thôn Thọ Sơn, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình và cách quốc lộ 1A khoảng 3km, Vũng Chùa – Đảo Yến là nơi yên nghỉ của vị đại tướng anh hùng của dân tộc Võ Nguyên Giáp.
Nghiêm trang dâng những nén hương lên phần mộ Đại tướng, ai cũng thể hiện lòng kính trọng đối với “Người Anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam”, người đã cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân làm nên Chiến thắng Điện Biên “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Thắp nén hương thơm trước anh linh Đai tướng, chúng tôi những Cựu chiến binh thế hệ hôm nay, với trách nhiệm và tình cảm của mình thầm hứa với Đại tướng, thời gian tới, Hội CCB Bệnh viện C Đà Nẵng sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục cán bộ, hội viên CCB và thế hệ trẻ về bản chất “Bộ đội Cụ Hồ”, về Chiến thắng Điện Biên Phủ; lan tỏa phong trào thi đua học tập, noi gương Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đồng hành với quá trình đổi mới và phát triển của đất nước, các thế hệ CCB Bệnh viện C Đà Nẵng luôn “Trung thành-Đoàn kết-Gương mẫu-Đổi mới”, tiếp tục cống hiến công sức, trí tuệ, tham gia thực hiện hiệu quả các hoạt động ở đơn vị và địa phương, xây dựng tổ chức hội vững mạnh toàn diện.
Trên chặng đường về lại Đà Nẵng, Đoàn Bệnh viện cũng đã thăm Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt cầu Hiền Lương-Bến Hải. Những di tích lịch sử gắn với một thời đất nước bị chia cắt: Cầu Hiền Lương, cột cờ ở bờ Bắc, Nhà Liên hợp, Đồn công an giới tuyến, cụm tượng đài “khát vọng thống nhất”, Nhà trưng bày “Vĩ tuyến 17 và khát vọng thống nhất” ở bờ Nam. Cùng ôn lại những ký ức hào hùng, bi tráng, mỗi một chúng ta tôn vinh và tri ân sâu sắc đối với sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha ông vì độc lập tự do của Tổ quốc.
“Ta về thăm Quảng Trị quê hương
Về Bến Hải nhớ một thời bom đạn
Thuở bờ Bắc, thuở bờ Nam chia cắt
Cầu Hiền Lương phải chia nhịp, sơn màu”
“Người trở về Quảng Trị thân thương
Phút giây ấy sao thiêng liêng đến vậy
Không tiếng súng, chỉ tiếng cười vọng lại
Tiếng bàn chân nhộn nhịp bước qua cầu
Quảng Trị ơi dưới nắng mới nhuộm màu
Nhìn Bến Hải, cầu Hiền Lương soi bóng
Giọt nước mắt trên mi rơi nóng bỏng
Vỡ oà trong hạnh phúc buổi đầu tiên…”
(Trích từ bài thơ Hiền Lương, Bến Hải của nhà thơ Tạ Thăng Hùng)
Chúng tôi đã kết thúc một chuyến đi tuyệt đối an toàn và đầy ý nghĩa. Mỗi thành viên trong đoàn nói chung và mỗi hội viên Cựu chiến binh nói riêng thầm nghĩ hôm nay, được sống trong hòa bình chúng ta càng thêm trân quý giá trị của hòa bình và đừng quên những mất mát, đau thương trong quá khứ. Thầm cảm ơn Lãnh đạo Bệnh viên, người kiến tạo và tổ chức chương trình Về nguồn truyền thống qua những hình ảnh trực quan nhắc nhở mỗi chúng ta hãy sống xứng đáng với hy sinh, mất mát và không ngừng lao động, học tập, rèn luyện để góp phần xây dựng Bệnh viện, địa phương, đơn vị, xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp, văn minh.
HỘI CCB BỆNH VIỆN C ĐÀ NẴNG