DÒNG LỊCH SỬ CHẢY QUA 2 THẾ HỆ

       Thế hệ chúng tôi may mắn sinh ra khi đất nước đã ngưng tiếng súng đạn. Chiến tranh đối với chúng tôi là những gì được biết qua sách báo, truyền hình. Chính vì thế mà không ít những người trẻ cảm thấy lịch sử là cái gì đó xa xưa và mơ hồ lắm, càng ngày những gì thuộc về lịch sử càng trở nên xa vời và khó nắm bắt.

       Hiểu được trăn trở của người cán bộ Đoàn trẻ tuổi, Đảng uỷ Bệnh viện C Đà Nẵng đã quyết định hỗ trợ hết mình để Đoàn Thanh niên Bệnh viện có được một ngày trải nghiệm đầy ý nghĩa tại bảo tàng Đà Nẵng, nằm trong khuôn viên di tích Thành Điện Hải, vào đúng ngày giỗ tổ Hùng Vương mùng 10/3. Chúng tôi đã được nghe về lịch sử phát triển của Thành phố ngay từ những ngày đầu là một thương cảng quan trọng bậc nhất của nước Nam, trải qua 2 cuộc chiến tranh lịch sử, đến bây giờ vươn lên trở thành nơi mà người dân ai cũng tự hào với danh xưng “thành phố đáng sống”.

Chiều dài lịch sử Đà Nẵng qua lời thuyết minh

       Đi suốt dọc dòng thời gian của Đất nước, khi Đà Nẵng ngày sơ khai với tên gọi Cửa Hàn dưới thời vua Minh Mạng, đến thời Pháp thuộc đổi thành Tourane, sau Cách Mạng tháng 8, Tourane được đổi tên thành Thái Phiên, đến năm 1956 vùng đất này chính thức mang tên Đà Nẵng và tên gọi này được giữ cho đến ngày hôm nay. Trải qua từng thời kỳ là những hiện vật hiện hữu, là những hình ảnh quý giá được sưu tầm và lưu giữ cho con cháu ngàn đời sau. Chúng tôi đi qua khu di tích của văn hoá Chăm pa, cái nôi đầu nguồn của Đà Nẵng ngày nay; được thấy những chiếu chỉ của triều đình nhà Nguyễn về việc thành lập các  tỉnh lỵ thuộc Đà Nẵng ngày xa xưa. Dấu tích của Hoàng cung bây giờ là thực tế những gì chúng tôi có thể nhìn thấy tận mắt, không còn là những điều chỉ có trên phim ảnh.

Chiếu lệ khen thưởng Vua Tự Đức ban

Sắc phong xã Mỹ Khê

       Nhưng có lẽ đọng lại trong chúng tôi nhiều nhất là những hình ảnh, những kỷ vật hiện hữu của Đà Nẵng trải qua 2 cuộc chiến tranh khốc liệt. Là cửa ngõ quan trọng của đất nước, không phải ngẫu nhiên mà cả thực dân Pháp lẫn đế quốc Mỹ đều chọn Đà Nẵng là điểm đầu tiên để tấn công mở màn cho các cuộc chiến tranh trường diễn sau đó. Chúng tôi khá ấn tượng với cái nhìn 2 chiều của những người ghi lại lịch sử tại bảo tàng Đà Nẵng. Không chỉ là hình ảnh dân tộc chúng ta đau đớn oằn mình với bức tranh bom Napalm, hay những hiện vật là hàng rào thép gai, cây nhiệt đới hiểm độc mà bên cạnh đó chúng tôi còn được biết đến mặt rất khác của chiến tranh. Hình ảnh người lính Mỹ với đôi mắt đau đáu như xoáy sâu vào tâm can người đối diện, tựa như muốn hỏi câu hỏi “tại sao phải giết chóc đồng loại?”, trên mũ anh là dòng chữ khắc vội nhuốm bởi máu và những giọt nước mắt “chiến tranh là địa ngục”. Rõ ràng những người thực thi mệnh lệnh, họ với vai trò là những người yêu nước, cũng buộc phải tuân thủ quân lệnh mà tận trong tâm can không hề ủng hộ những cuộc chiến như vậy. Sau cuộc chiến là bên thắng cuộc, bên thua cuộc. Bên thắng cuộc vinh quang là thế nhưng dùng cả máu, cả mạng người để đổi lấy chiến thắng thì chiến thắng ấy mãi mãi cũng không thể trọn vẹn. Bên thua cuộc, cũng lầm lũi trở về và đau buồn hơn là những nỗi ám ảnh day dứt, có những người còn mang trên mình một căn bệnh, y học gọi là “hội chứng chiến tranh”.

Chiến tranh và tội ác

       Sau buổi sinh hoạt, chúng tôi chia đội thi về những gì góp nhặt được trong suốt một buổi chiều. Những bài diễn thuyết ấn tượng, những câu trả lời hóm hỉnh, những đáp án chính xác đến bất ngờ về lịch sử phát triển của Thành phố Đà Nẵng; có thế mới thấy sân chơi ngày hôm nay đã đem đến cho chúng tôi những kiến thức quý giá biết chừng nào.

Các đội chơi đang tập trung cho phần thi kiến thức lịch sử

       Điều đặc biệt hơn nữa, chúng tôi được sống một ngày trọn vẹn và nhiều bất ngờ, bởi thực tế có những nhân chứng là thế hệ đàn anh sát cánh bên chúng tôi hàng ngày mà đến bây giờ mới được biết. Đồng chí Nguyễn Trọng Thiện và đồng chí Võ Đắc Truyền, thay mặt cho Đảng uỷ Bệnh viện đã có mặt để sinh hoạt cùng đám thanh niên chúng tôi. Qua lời kể mới biết, Bệnh viện chúng tôi là nơi cuối cùng người anh hùng Trần Thị Lý gửi gắm những ngày cuối đời. Những ngày tháng chăm sóc bà từ năm 1992 được 2 anh kể lại một cách say sưa như thể câu chuyện mới đâu đó ngày hôm qua thôi. Đoạn dây dài giữa 2 thế hệ vì thế mà đã rút ngắn rất nhiều. Khoảng cách về tuổi tác, về thời gian bỗng chốc biến mất vì những người con của Thành phố đang cùng nhìn về một chí hướng.

       Đoàn Thanh niên chúng tôi vô cùng biết ơn và trân quý những tình cảm và sự khích lệ mà Đảng uỷ Bệnh viện đã dành trọn vẹn cho đàn em. Hy vọng rằng, niềm tự hào về Thành phố sẽ được tiếp tục truyền và giữ lửa qua những buổi sinh hoạt bổ ích như thế, để những truyền thống tốt đẹp tiếp tục được lan toả vì một Đà Nẵng xứng đáng với danh xưng của thành phố.