CHI BỘ 4 CẢM NHẬN TRONG CHUYẾN SINH HOẠT VỀ NGUỒN TẠI QUẢNG TRỊ – QUẢNG BÌNH
Với những ai đã đi qua chiến tranh, Quảng Trị trở thành ký ức vẻ vang, nơi mỗi tấc đất đều là máu xương của mỗi anh hùng, nơi linh thiêng để bao người trở về tri ân thế hệ cha anh quả cảm hy sinh thân mình, cho thế hệ hôm nay được sống trong hòa bình. Phát huy tinh thần tri ân và đền ân, uống nước nhớ nguồn, nhân kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh liệt sĩ (27/07/1947 – 27/07/2024), Đảng bộ Bệnh viện C Đà Nẵng đã tổ chức Hành trình về nguồn, về với mảnh đất Quảng Trị anh hùng.
Trên chuyến đi về nguồn, đâu tiên chúng tôi được viếng Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, các thành viên trong đoàn đã lặng trước không gian rộng lớn, nơi an nghỉ của hơn mười nghìn anh hùng liệt sỹ trong mỗi nghĩa trang, thời gian như lắng đọng, cảm xúc lại dâng trào,chúng tôi thấy mình thật bé nhỏ trước những mất mát, những hy sinh của thế hệ cha anh cho lý tưởng, cho ngày thống nhất đất nước. Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn có tổng diện tích 140.000m2; trong đó, diện tích đất mộ là 23.000m2, khu tượng đài 7.000m2, Phần đất mộ được phân thành 10 khu vực chính, mỗi khu vực có Đài tưởng niệm riêng với các phong cách kiến trúc đặc trưng từng vùng, miền khác nhau. Kiến trúc các Đài tưởng niệm được xây dựng theo phong tục tập quán, bản sắc, biểu tượng đặc trưng riêng của mỗi địa phương – hồn quê Việt Nam thể hiện nét đẹp truyền thống văn hoá của từng vùng, miền trên dải đất hình chữ S. Với phong cách kiến trúc và cách quy tập các phần mộ thành không gian đặc trưng vùng, miền vừa trữ tình, vừa bi tráng, vừa thể hiện đời sống tâm linh, hướng hương hồn các anh, các chị về nguồn cội – nơi chôn rau cắt rốn, đồng thời thể hiện sự giao cảm giữa người sống và hương hồn người đã khuất!
Thắp nén hương thơm viếng hương hồn người “nằm dưới cỏ”, lòng chúng tôi trào dâng niềm xúc cảm, tự hào về những người con trung hiếu của đất nước. Giờ đây, đất nước đã thanh bình nhưng các anh, các chị không thể trở về với mẹ mà mãi mãi nằm lại “ngôi nhà chung” – “Cõi thiêng” giữa đại ngàn.
Tiếp theo chương trình chúng tôi được đến thăm thành cổ Quảng Trị, tất cả đảng viên không thể quên đến trận chiến 81 ngày đêm (từ 28/6/1972 đến 16/9/1972) của người dân anh hùng nơi đây đã đấu tranh bảo vệ thị xã – Thành cổ Quảng Trị, bản tráng ca hào hùng của toàn thể nhân dân cả nước, là bức tranh đẫm máu và hoa cùng với bao trận đánh anh dũng khác làm nên kỳ tích, giành lại độc lập tự do cho dân tộc, quét sạch giặc ngoại xâm ra khỏi bờ cõi đất nước…
Đạn bom cũng đã đi qua, thời hoa lửa lùi xa trong trí nhớ. Nơi tôi đứng đây, 50 năm trước đầy máu và lửa giờ đây là những thảm cỏ xanh rờn trải rộng hòa lẫn xương máu của các anh, hơn bao giờ hết lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước và những xúc cảm cứ dâng trào mãnh liệt.
Trong cuộc chiến bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972, không thể tính được chính xác có bao nhiêu chiến sỹ đã ngã xuống để bảo vệ nền độc lập của dân tộc nhưng tại địa điểm này, mỗi mét đất đều thấm đẫm máu của các anh. Để bảo vệ Thành cổ, hàng vạn chiến sỹ đã anh dũng ngã xuống, đã hòa vào lòng đất mẹ. 81 ngày đêm quá khắc nghiệt nhưng cũng là một trang sử rất hào hùng của dân tộc, một minh chứng thà hy sinh tất cả để bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Đài tưởng niệm Thành cổ Quảng Trị là nơi để cho du khách thắp nén hương thơm tưởng nhớ những anh hùng liệt sỹ đã không tiếc xương máu của mình và mãi mãi nằm lại ở vùng đất này. Đài tưởng niệm ở Thành cổ Quảng Trị được xây dựng mô phỏng như một ngôi mộ tập thể. Tượng đài này được thiết kế theo quan niệm triết lý âm dương. Dưới chân nấm mồ được đắp theo hình bát giác, tượng trưng cho bát quái, bốn lối bậc cấp đi lên tượng trưng cho tứ tượng, tầng dâng hương là tầng lưỡng nghi. Bên trên là mái đình Việt cách điệu. Một cây đèn màu đỏ được xem như cây thiên mệnh, là cầu nối giữa trời và đất để chuyển tải linh hồn các anh hùng liệt sỹ về cõi vĩnh hằng. Có 81 bậc thang đi lên, tượng trưng cho 81 ngày đêm chiến đấu ở Thành cổ Quảng Trị… Lòng nấm mồ rỗng có 2 trục đường chính giao nhau. Chính giữa là nơi đặt hành trang người lính, đó là chiếc mũ tai bèo, một bình đông nước, đôi dép cao su, khẩu súng AK và chiếc ba lô.
Qua bao thăng trầm lịch sử, Thành Cổ Quảng Trị vẫn ở đó, là nhân chứng cho những tội ác của chủ nghĩa thực dân và đế quốc, cũng là nhân chứng cho những nỗi đau bi thương của cả dân tộc, mẹ mất con, con mất cha, vợ mất chồng. Kính cẩn nghiêng mình dâng nén tâm hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ, hùng liệt sỹ. chúng tôi xin gửi lời tri ân và tưởng nhớ hương hồn các anh.
Tại nơi đáng nhớ này; được sự đồng ý của Thường trực Đảng uỷ Khối các cơ quan thành phố Đà Nẵng, được sự cho phép, tạo điều kiện của Lãnh đạo Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh Quảng Trị, Đảng ủy bệnh viện tổ chức Lễ kết nạp đảng viên cho năm đồng chí đảng viên mới, đặc biệt Chi bộ 4 có quần chúng Võ Nguyên Tín kết nạp đảng tại nơi đây. Vinh dự được kết nạp Đảng tại địa danh lịch sử cách mạng hào hùng của đất nước là kỷ niệm không thể nào phai của các đồng chí đảng viên mới.
Tại bến sông Thạch Hãn lịch sử, hàng ngàn chiến sĩ hy sinh tại đây chưa lấy được hài cốt vì khói lửa bom đạn quá nhiều, xương máu các anh đã hòa quyện vào gạch đá đổ nát, vượt qua mưa bom bão đạn, hết lớp người này đến lớp người khác ngã xuống, thân thể hòa vào lòng sông Thạch Hãn, mãi mãi hy sinh ở tuổi đôi mươi:
“Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm…”.
Tại nơi đây, mỗi đảng viên Đảng bộ Bệnh viện C Đà Nẵng cùng nâng niu ngọn hoa đăng trên tay mà ai nấy đều cùng một dòng xúc cảm, tri ân và tự hào về những gì mà thế hệ đi trước đã làm, để có được hạnh phúc ngày hôm nay. Mỗi ngọn hoa đăng trên tay chất chứa từng dòng cảm xúc riêng của mỗi người, nhưng tôi tin rằng tất cả đều mang trong mình lòng biết ơn sâu sắc vì máu, nước mắt và hạnh phúc của bậc cha anh đã dâng hiến cho Tổ quốc thiêng liêng.
Ngày thứ hai của chuyến đi Toàn Đảng bộ cũng đã dâng hương mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp nằm trên ngọn núi Thọ, mũi Rồng, thuộc vùng biển Vũng Chùa- Đảo Yến tỉnh Quảng Bình. Sau đó đoàn về thăm Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt cầu Hiền Lương-Bến Hải. Những di tích lịch sử gắn với một thời đất nước bị chia cắt: Cầu Hiền Lương, cột cờ ở bờ Bắc, Nhà Liên hợp, Đồn công an giới tuyến, cụm tượng đài “khát vọng thống nhất”, Nhà trưng bày “Vĩ tuyến 17 và khát vọng thống nhất” ở bờ Nam. Cùng ôn lại những ký ức hào hùng, bi tráng, mỗi một chúng ta tôn vinh và tri ân sâu sắc đối với sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha ông vì độc lập tự do của Tổ quốc. Những di tích lịch sử ở đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải là di sản của khát vọng thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam.
Như bao nhiêu người trẻ khác, tôi được sinh ra và lớn lên khi đất nước đã sạch bóng quân thù, không còn cảnh bom đạn gieo trên đầu cùng những tiếng súng nổ gầm trời. Chúng tôi, những thế hệ đang được hưởng trọn vẹn hòa bình, tự do và hạnh phúc mà cha ông chúng tôi đã đắp đổi bằng máu xương. Hành trình về nguồn 2024 là những trải nghiệm, những ký ức không bao giờ quên đối với từng thành viên trong đoàn. Tôi tự nhủ: mình phải thay đổi và sống tích cực hơn, cần cố gắng nhiều hơn nữa để đóng góp sức lực cho tổ chức, cho đoàn thể và cho đất nước. Và bất giác, tôi chợt mỉm cười vì thấy mình thật may mắn khi được tham gia chuyến đi đầy ý nghĩa này. Sau chuyến đi, thanh xuân của tôi lại được ghi thêm nhiều kỉ niệm đẹp, tôi lại được làm quen với nhiều người bạn mới chân thành và thật đáng mến…
Lời cuối, các thành viên trong Đoàn về nguồn chúng tôi xin được gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất đến Đảng bộ Bệnh viện C Đà Nẵng đã luôn quan tâm, giúp đỡ và tạo điều kiện để chuyến về nguồn của chúng tôi diễn ra thành công tốt đẹp. Chúng tôi cũng hy vọng trong thời gian sắp tới, Đảng bộ có thể tiếp tục tổ chức những chuyến đi ý nghĩa như thế này để mỗi đảng viên có thêm nhiều cơ hội gắn kết, giao lưu và rèn luyện bản thân.