CẢM XÚC TỪ MỘT CHUYẾN HÀNH TRÌNH VỀ NGUỒN

Ngày 20 và 21 tháng 7 năm 2024, Chi bộ 3 cùng toàn thể Đảng bộ Bệnh viện C Đà Nẵng đã thực hiện chuyến hành trình về nguồn đầy ý nghĩa và xúc động, nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh Liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2024). Chuyến đi không chỉ là hành trình trở về với cội nguồn lịch sử, mà còn là cơ hội để chúng tôi tưởng nhớ và tri ân những anh hùng liệt sỹ đã hy sinh cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc từ đó khơi dậy trong mỗi đồng chí Đảng viên niềm tin, ý chí và trách nhiệm tiếp nối truyền thống vẻ vang của cha ông.

Đoàn Đảng bộ Bệnh viện C Đà Nẵng chúng tôi khởi hành từ sân bệnh viện lúc 5h30 sáng 20 tháng 7, trong trang phục chỉnh tề: áo sơ mi trắng và quần tây đen. Lên xe với lòng háo hức, chúng tôi cảm nhận được sự tự hào khi một lần nữa được trở về với mảnh đất lịch sử Quảng Trị, nơi từng chịu đựng mưa bom bão đạn trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, khắc sâu vào ký ức dân tộc. Đoàn chúng tôi đi qua thị trấn Cam Lộ, rẽ vào con đường dẫn lên Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn khi trời đã quá nửa buổi. Con đường đi xuyên qua những làng quê yên bình và những cánh rừng tĩnh lặng của huyện Gio Linh, dẫn chúng tôi đến nơi an nghỉ của hơn 10.000 anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống trên tuyến đường Trường Sơn lịch sử.

Tại nghĩa trang, hàng vạn ngôi mộ nằm yên lặng dưới rừng thông xanh thẳm, như một bản trường ca về lòng dũng cảm và sự hy sinh oanh liệt vì độc lập tự do của đất nước. Chúng tôi vào viếng hương tại tượng đài và tỏa ra thắp hương tại các khu vực của nghĩa trang, cảm nhận sâu sắc những hy sinh to lớn ấy. Mỗi nén nhang thắp lên

là một lời tri ân, một lời nguyện cầu cho các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống vì nền hoà bình của đất nước.

Buổi chiều, chúng tôi tham gia buổi sinh hoạt chi bộ tháng 7 đầy ý nghĩa tại Quảng Trị. Trong buổi sinh hoạt, đồng chí Phó Bí thư chi bộ đã sơ kết những nhiệm vụ chính trị trong tháng, triển khai các văn bản, chỉ thị từ cấp ủy đảng cấp trên và công tác trong tháng tiếp theo. Đồng thời, các đồng chí trong Chi bộ 3 chúng tôi cùng nhau ôn lại truyền thống yêu nước, lịch sử hào hùng của mảnh đất này. Đến 16 giờ, đoàn đến Thành Cổ Quảng Trị để dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống bảo vệ thành cổ trong 81 ngày đêm của mùa hè đỏ lửa năm 1972. Dưới cái nắng chiều Quảng Trị, hình ảnh hào hùng năm xưa của các liệt sỹ hiện lên trong tâm tưởng của chúng tôi, nhiều chiến sĩ anh hùng năm ấy mới chỉ đôi mươi, đã gác lại bút nghiên để lên đường chiến đấu, rồi mãi mãi nằm lại nơi mảnh đất này. Sự hy sinh của các anh hóa thành những đóa hoa bất tử, đem lại chiến thắng và trở thành một dấu mốc dẫn đến việc ký kết Hiệp định Paris 1973, một thắng lợi quan trọng trong cuộc trường kỳ kháng chiến giành lại độc lập dân tộc.

Chúng tôi tham quan Thành Cổ, đến Đài chứng tích Sinh viên – chiến sĩ thành cổ Quảng Trị. Tại nơi đây, Đảng bộ tổ chức kết nạp cho 5 đồng chí đảng viên mới, trong đó Chi bộ 3 vinh dự có 2 đồng chí được kết nạp: Võ Tấn Hùng và Nguyễn Trọng Khang Tuệ. Dưới cờ Đảng, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự chứng kiến của gần 200 đảng viên, hai đồng chí đọc lời tuyên thệ, nhận nhiệm vụ cùng những đồng chí đảng viên mới từ đồng chí Bí thư Đảng ủy Bệnh viện. Giây phút ấy thật thiêng liêng và xúc động, như câu thơ của Tố Hữu: “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ. Mặt trời chân lý chói qua tim.” Từ đây, Chi bộ 3 và Đảng bộ sẽ có thêm những đồng chí bản lĩnh, nhiệt huyết, vừa hồng vừa chuyên, đóng góp cho sự phát triển của toàn Đảng bộ và bệnh viện.

Tiếp đó, chúng tôi đi trên con đường từ Thành Cổ dẫn ra sông Thạch Hãn. Nơi đây, vào mùa hè đỏ lửa năm 1972, từng đoàn chiến sĩ cách mạng vượt sông chiến đấu bảo vệ Thành Cổ, nhiều chiến sĩ đã hy sinh khi vượt sông. Tinh thần anh dũng ấy dựng nên bức thành đồng bất tử, khiến các thế hệ sau không khỏi bồi hồi, kính phục khi nhớ về. Khi mặt trời dần lặn xuống, chúng tôi thả hoa đăng trên sông Thạch Hãn, ánh hoàng hôn trên sông thật đẹp, từng chiếc hoa đăng trôi trên dòng sông làm chúng tôi không khỏi xúc động. Lời thơ đầy cảm xúc vang vọng bên tai:

“Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi đôi mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm…”

Rời Thành Cổ, lòng tôi ngập tràn cảm xúc: lòng biết ơn, sự khâm phục và thương tiếc những anh hùng liệt sỹ đã hy sinh ở độ tuổi đôi mươi vì nền độc lập tự do của dân tộc. Tự nhắc nhở mình phải phấn đấu hơn nữa, noi gương các anh, đóng góp sức mình vào công cuộc phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Sáng hôm sau, chúng tôi tiếp tục hành trình đến viếng, dâng hoa, dâng hương vị chỉ huy tài ba, anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam – Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Qua Đồng Hới, Lệ Thủy rồi rẽ vào con đường dẫn đến mộ Đại tướng ở Vũng Chùa. Nơi an nghỉ của Đại tướng là một mảnh đất dung dị trên quê hương Quảng Bình của người. Đi trên con đường dẫn vào mộ Đại tướng, hai bên là 103 gốc mai vàng và 103 gốc hoa ban Điện Biên, như vẫy chào chúng tôi đến với nơi an nghỉ của vị tướng vĩ đại. Theo những bậc đá, chúng tôi đến trước mộ Đại tướng, nơi đây thật giản dị và yên bình, có cây và hoa che mát quanh năm, như đất mẹ quê hương dang tay ôm người con kiệt xuất vào lòng. Xa xa nơi người nằm là đảo Yến, như lời nhắc nhở con cháu luôn giữ gìn chủ quyền đất liền, biên giới và hải đảo, bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ mà bao thế hệ ông cha đã hy sinh xương máu để lại.

Điểm thăm viếng cuối cùng của đoàn là Cầu Hiền Lương – Vĩ tuyến 17. Đến nơi đây trong một buổi chiều đầy nắng, lòng tôi ngân vang câu hát:

” Bên ven bờ Hiền Lương.

Chiều nay ra đứng trông về.

Mắt đượm tình quê đôi mắt đượm tình quê”.

Tại đây, được nghe những câu chuyện lịch sử khi nơi đây là ranh giới chia cắt hai miền Nam Bắc, ai trong đoàn cũng xúc động. Nhìn ngọn cờ Tổ quốc bay phấp phới ở bờ Bắc, chúng tôi nghĩ rằng đây từng là niềm tin sắt son về ngày độc lập của những người con đất Việt, để rồi giờ đây, ngọn cờ độc lập trên bến Hiền Lương đã trở thành biểu tượng bất tử của ý chí thống nhất đất nước.

Chuyến hành trình về nguồn này không chỉ đơn thuần là một cuộc viếng thăm mà còn là một bài học sâu sắc về lịch sử và lòng yêu nước. Những ngôi mộ liệt sỹ dưới cánh rừng thông xanh, đôi bờ Hiền Lương, vết xưa Thành cổ, dòng sông Thạch Hãn trong nắng chiều… như sâu thêm vào tâm trí chúng tôi về sự hy sinh cao cả của các anh hùng. Tinh thần anh dũng, lòng quả cảm và sự hy sinh của các anh làm chúng tôi vô cùng biết ơn và cảm phục. Những vị anh hùng ấy đã gác lại tuổi xuân, hy sinh tất cả vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, và giờ đây, trách nhiệm của chúng tôi là phải tiếp nối tinh thần ấy, cống hiến hết mình cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mỗi bước đi trên mảnh đất lịch sử, mỗi nén hương thắp lên là một lời nguyện cầu cho hồn thiêng sông núi, và cũng là lời hứa của chúng tôi về sự phấn đấu không ngừng nghỉ. Chúng tôi tự hứa sẽ làm việc chăm chỉ hơn, hết lòng vì nhiệm vụ, xứng đáng là người Đảng viên cộng sản, để không phụ lòng các anh hùng đã ngã xuống, và trách nhiệm của nhân dân giao cho. Với hành trang là những bài học quý giá, chúng tôi trở về với tâm hồn tràn đầy nhiệt huyết, quyết tâm mang lại nhiều điều tốt đẹp hơn cho cộng đồng. Và dù thời gian có trôi qua, những giá trị và cảm xúc từ chuyến hành trình này sẽ mãi mãi ở lại, trở thành động lực và niềm tin vững chắc để chúng tôi tiếp tục bước tới trên con đường bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ Nhân dân.

Võ Trọng Khanh – Đảng viên Chi bộ 3