CẢM NHẬN THÁNG 7

Nhân kỷ niệm 77 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2024), ngày 20-21/7/2024 cùng với Đảng bộ Bệnh viện C, đảng viên Chi bộ 12 đã tổ chức SINH HOẠT TRUYỀN THỐNG tại Tỉnh Quảng Bình – Quảng Trị với mục đích ôn lại truyền thống cách mạng của dân tộc và tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Thương binh, anh hùng Liệt sĩ, qua đó phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn của thế hệ trẻ chúng ta thể hiện nghĩa cử tri ân với thế hệ cha anh, trân trọng những cống hiến của  các thế hệ cha anh với sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước.

Hành trình Về nguồn của toàn đảng viên Chi bộ

Điểm đầu tiên Đoàn chúng tôi đặt chân đến Quảng trị là Nghĩa Trang Liệt sĩ Trường Sơn. Hòa cùng dòng người từ khắp nơi trong cả nước đến Nghĩa Trang Liệt sĩ Trường Sơn, chúng tôi bước vào nơi an nghỉ của các anh hùng liệt sĩ. Dẫu đã được nghe nhiều về Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn nhưng đặt chân đến đây mới thấy nơi này rộng lớn quá. Chiến tranh đã lùi xa nhưng những đau thương và mất mát mà chiến tranh để lại vẫn chưa thể xóa nhòa. Đó là hình ảnh nghĩa trang với bạt ngàn những ngôi mộ Liệt sĩ trải dài hun hút tưởng chừng như vô tận. Chứng kiến khoảng không gian tĩnh lặng và từng đoàn người trang nghiêm, cùng kính cẩn nghiêng mình trước anh linh các anh hùng liệt sĩ, chúng tôi phần nào hiểu được giá trị của sự hy sinh và giá trị cuộc sống hòa bình, độc lập và tự do hôm nay.

Trong không khí trang nghiêm và thành kính, với lòng biết ơn vô hạn, đảng viên  Đảng bộ Bệnh viên C và Chi bộ 12 đã đặt vòng hoa, dâng hương và dành phút mặc niệm tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng quê hương, thống nhất đất nước. Vào viếng và dâng hoa tại Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn, chúng tôi xếp hàng nghiêm trang trước tượng đài, ai cũng ngậm ngùi trước vong linh của những anh hùng đã khuất. Đảng viên Chi bộ 12 thầm nhủ với lòng mình phải sống có trách nhiệm hơn với đất nước để không phụ lòng những người đã ngã xuống, sẽ từng bước tiếp nối, viết tiếp những ước mơ, hoài bão của các anh vẫn còn dang dở… góp sức mình xây dựng Tổ quốc Việt Nam ngày một tươi sáng hơn.

Tại Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn

Tiếp đó đảng viên Chi bộ 12 cùng đảng viên toàn đảng bộ Bệnh viện C Đà Nẵng đến dâng hương tại Thành Cổ Quảng Trị, và Tổ chức lễ kết nạp đảng viên mới cho 05 quần chúng ưu tú dưới chân tượng đài Chứng tích sinh viên – chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị mùa Hè 1972, dâng hương Thành Cổ Quảng Trị chúng tôi thấu hiểu được Cuộc chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị, nơi diễn ra 81 ngày đêm chiến đấu ác liệt mùa hè đỏ lửa năm 1972, hàng vạn Anh hùng, Liệt sỹ là những người con yêu quý trên khắp mọi miền Tổ quốc vì một lý tưởng cao đẹp đó là độc lập dân tộc, thống nhất đất nước đã anh dũng ngã xuống, đem theo tuổi thanh xuân cùng bao hoài bão khát vọng hóa thân vào lòng đất. Xương máu của các anh đã để lại trong từng tấc đất, ngủ sâu trong lòng đất mẹ Quảng Trị yêu thương, hòa trong sóng nước mênh mang của dòng sông Thạch Hãn để giành lại từng tấc đất hôm nay. Cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước ghi danh Thành cổ Quảng Trị – nơi đã trở thành huyền thoại giữ nước – một khúc bi ca hoành tráng của những người chiến sĩ bất tử, của một thời huy hoàng và máu lửa.. Đến Thành cổ Quảng Trị, cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là tấm pano Lễ hội vì Hòa bình năm 2024, mới thấu hiểu nỗi khao khát hòa bình của nhân dân ta trong những năm tháng đấu tranh ác liệt tại Quảng Trị. Trải qua bao cuộc chiến tranh, nhân dân Việt Nam nhận thức rõ ràng rằng hòa bình là giá trị lớn nhất của cuộc sống con người. Khát vọng của dân tộc Việt Nam, khát vọng của nhân loại mang tên Hòa bình.

Thành Cổ Quảng Trị

Để tưởng nhớ và tỏ biết ơn các anh hùng đã hy sinh cho Tổ quốc thân yêu, đảng viên chi bộ 12 đã thả vòng hoa trên sông Thạch Hãn. Dòng sông Thạch Hãn, là nhân chứng cho những tội ác của chủ nghĩa đế quốc, cũng là nhân chứng cho những nỗi đau bi thương của cả dân tộc, mẹ mất con, con mất cha, vợ mất chồng, trở thành nơi kết nối quá khứ hào hùng với hiện tại, mang đến cảm xúc sâu lắng, nhắc nhở chúng ta về giá trị của hòa bình và sự hi sinh anh dũng, gợi lên bao điều sâu lắng về quá khứ bi tráng, làm dịu lại vết thương chiến tranh, hướng tới xóa bỏ chia cách, hận thù vì một dân tộc luôn khát khao hòa bình

Thả bè hoa và thả hoa đăng trên dòng sông Thạch Hãn

Ngày thứ hai của cuộc hành trình, đảng bộ Bệnh viện C Đà Nẵng và đảng viên chi bộ 12 tiếp tục đi thăm mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Vũng Chùa, Đảo Yến thuộc huyện Quảng Trạch, Tỉnh Quảng Bình, chúng tôi dậy từ rất sớm với tâm trạng hân hoan, trang phục chỉnh tề, ai cũng muốn một lần đến viếng và  thắp một nén nhang tưởng nhớ công lao to lớn của người anh Cả Quân đội nhân dân Việt Nam, vị Tướng tài ba của dân tộc Việt Nam đã hiến dâng cả cuộc đời cho đất nước

Trong dòng người về viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp hôm nay có cả những cựu chiến binh, cựu TNXP và những chiến sĩ Điện Biên năm xưa, cùng đại diện các đoàn thể và người dân trong cả nước. Giữa cái nắng tháng Bảy của miền Trung, chúng tôi xếp hàng theo các đoàn khách lên dâng hương mộ Đại tướng. Chậm rãi qua từng bậc thang gỗ, theo chỉ dẫn, chúng tôi nhẹ nhàng bước vào nơi chính thiêng khu mộ. Từ bậc sàn gỗ hướng mắt lên trên, hình ảnh nấm mộ lặng lẽ giữa đồi đất xanh xanh màu cỏ non khiến lòng người như nghẹn lại. Nét đơn sơ, giản dị và thanh tao, gần gũi đến nao lòng. Mỗi người đến đây đều mang trong mình niềm tự hào dân tộc, lòng biết ơn sâu sắc, chúng tôi nghiêm trang ngả mũ, cúi đầu và thắp những nén hương thơm, ai cũng thể hiện lòng kính trọng và biết ơn vô hạn với “Người Anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam”, người đã cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân làm nên Chiến thắng Điện Biên “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”

Viếng thăm Mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Tạm biệt Vũng Chùa, tạm biệt Đảo Yến, chúng tôi ra về mang theo tình cảm lưu luyến vị Đại tướng tài ba, vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Đại tướng không còn nữa, nhưng những phẩm chất cao đẹp của Đại tướng luôn được nhắc đến trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc của non sông, đất nước Việt Nam với niềm kính trọng và tự hào. Tri ân Đại tướng, các thế hệ người Việt Nam hôm nay nguyện với lòng mình sẽ mang hết tri thức, tâm huyết để xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh

Chúng tôi dừng chân tại Vĩ tuyến 17, nơi Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải, là chiếc cầu đặc biệt bởi nó là biểu tượng cho nỗi đau của 21 năm chia cắt đất nước, đồng thời cũng là biểu tượng cho khát vọng thống nhất non sông trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tại đây chúng tôi được nghe giới thiệu và hiểu thêm về lịch sử đấu tranh anh dũng của quân và dân Vĩnh Linh đất thép trong những năm chiến tranh. Ngoài cuộc đấu tranh hòa bình bằng màu sơn cầu Hiền Lương, giai đoạn 1954-1964, tại vĩ tuyến 17 còn có những cuộc đấu tranh khác không kém phần cam go, căng thẳng. Trong đó không thể không nhắc đến cuộc đấu cờ hay còn gọi là chọi cờ và cả “cuộc chiến” âm thanh.

Chiến tranh thật ác liệt, quân và dân ta thời kỳ đó cũng đã chịu nhiều mất mát mới giành được hòa bình, Cầu Hiền Lương – sông Bến Hải không chỉ là điểm đến tri ân mà còn là nơi hội tụ của khát vọng hòa bình, thống nhất non sông; địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

 

Cầu Hiền Lương  – Vĩ tuyến 17

Về Quảng Trị những ngày này, thế hệ chúng ta hôm nay càng biết ơn cha ông, thêm tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc. Tại đây chúng tôi đã sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt chuyên đề tháng 7/2024 với chủ đề “Truyền thống cách mạng” để ôn lại truyền thống của anh dũng của các anh hùng liệt sĩ; qua đó thấy được trách nhiệm của mỗi chúng ta trong công cuộc xây dựng, phát triển, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa. Đó chính là ý thức về cội nguồn, là truyền thống nhân văn, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, nhắc nhở thế hệ hôm nay và mai sau về trách nhiệm đối với non sông đất nước, tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, viết tiếp trang sử vàng của dân tộc Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế

Sinh hoạt chi bộ

Sinh hoạt truyền thống tại Thành Cổ Quảng Trị – Quảng Bình của Đảng bộ Bệnh viện C Đà Nẵng và toàn đảng viên Chi bộ 12 là một việc làm đầy trách nhiệm và nghĩa tình nhằm mục đích tăng cường tính đoàn kết, gắn bó trong toàn đảng bộ, tăng cường sự giao lưu, hợp tác, xây dựng tập thể Đảng bộ vững mạnh, là một nét đẹp trong đời sống văn hoá, góp phần quan trọng vào việc củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết trong toàn đảng, toàn dân tộc; nâng cao tinh thần yêu nước, khơi dậy và bồi đắp những giá trị nhân văn sâu sắc. Đảng viên Chi bộ 12 tiếp tục phát huy truyền thống, xứng đáng với sự nghiệp vẻ vang mà các thế hệ Cha anh đã nỗ lực dày công xây dựng, vun đắp bằng lòng yêu nước, thương dân, bằng trí tuệ và tâm huyết, để thực hiện tôt việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, phòng chống các dịch bệnh, thực hiện tốt lời Bác Hồ dạy “Lương y như từ mẫu”

 

BỆNH VIỆN C ĐÀ NẴNG

Chi bộ 12