BỆNH VIỆN C ĐÀ NẴNG TRIỂN KHAI THÀNH CÔNG KỸ THUẬT NỘI SOI ĐẶT STENT THỰC QUẢN

BỆNH VIỆN C ĐÀ NẴNG TRIỂN KHAI THÀNH CÔNG KỸ THUẬT

NỘI SOI ĐẶT STENT THỰC QUẢN

 

Ung thư thực quản là loại ung thư phổ biến thứ bảy trên toàn thế giới, với tỷ lệ mắc bệnh toàn cầu là 604 100 ca mới vào năm 2020. Các triệu chứng chính của ung thư thực quản bao gồm khó nuốt, nuốt đau kèm theo sụt cân. Do bệnh nhân ung thư thực quản thường không có triệu chứng ở giai đoạn đầu nên hơn một nửa số bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn tiến triển của bệnh và không đủ điều kiện để điều trị với mục đích chữa khỏi bệnh.

Một trong những mục tiêu chính của điều trị giảm nhẹ là làm giảm chứng khó nuốt và cải thiện lượng dinh dưỡng hấp thụ. Bên cạnh xạ trị, đặt stent thực quản là giải pháp tối ưu cho bệnh nhân, bởi đây là phương pháp can thiệp tối thiểu nhưng mang lại hiệu quả cao, ít biến chứng, thời gian phục hồi nhanh sau can thiệp, giúp cải thiện ngay lập tức tình trạng nuốt nghẹn khi ăn, ăn uống đường miệng dễ dàng, ngon miệng hơn, từ đó nâng cao thể trạng sức khỏe bệnh nhân.

Trước đây, để cải thiện dinh dưỡng cho những trường hợp như vậy, bác sĩ sẽ phải mở thông dạ dày ra da qua nội soi hoặc phẫu thuật để nuôi dưỡng qua sonde. Phương pháp này khiến bệnh nhân thiệt thòi vì không còn cảm giác ăn ngon. Hơn nữa, việc chăm sóc và cho ăn qua sonde sẽ phức tạp và tốn thời gian. Sau khi đặt stent, bệnh nhân có thể ăn uống như bình thường, sức khỏe thể chất và tinh thần sẽ cải thiện đáng kể.

  • Chỉ định đặt stent thực quản và mô tả sơ lược kỹ thuật

Kỹ thuật nội soi đặt stent thực quản là phương pháp đặt một vòng kim loại vào vị trí hẹp của thực quản qua đường nội soi với mục đích tái lập lại lưu thông của thực quản. Đây hiện là giải pháp hiệu quả, khắc phục được các hạn chế của phương pháp trước đó, giúp người bệnh ung thư giai đoạn cuối được điều trị giảm nhẹ, cải thiện tình trạng tắc nghẽn đường tiêu hóa do khối u chèn ép, nâng cao thể trạng. Nội soi can thiệp đặt stent thực quản là một trong những tiến bộ khoa học kỹ thuật hiện đại ít xâm lấn, triển khai tại nhiều bệnh viện lớn tuyến trung ương và số ít bệnh viện tuyến tỉnh có thể thực hiện được.

Ngoài ra, stent thực quản có thể được sử dụng để điều trị các bệnh lành tính ở thực quản như: hẹp, dò thực quản-khí phế quản, thủng thực quản, chảy máu do vỡ giãn tĩnh mạch thực quản nguy kịch hoặc kháng trị với các phương pháp cầm máu khác. Stent thường được tháo ra sau vài tuần vì khoảng thời gian này cho phép giải quyết được tình trạng bệnh và tháo stent an toàn.

  • Báo cáo ca lâm sàng

Bệnh viện C Đà Nẵng bước đầu áp dụng phương pháp đặt stent kim loại thực quản để điều trị các bệnh lý này. Bệnh nhân nam 75 tuổi  đến khám tại Bệnh viện C Đà Nẵng vào tháng 10/2023 vì nuốt khó và nuốt đau, kèm theo sút cân, được chẩn đoán ung thư thực quản 1/3 giữa giai đoạn muộn, không còn chỉ định phẫu thuật. Bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện chúng tôi bằng phương pháp hoá trị và xạ trị đủ phác đồ, kết hợp mở thông dạ dày ra da qua nội soi để nâng cao tình trạng dinh dưỡng, tình trạng sức khoẻ và nuốt khó cải thiện tốt hơn, sau đó bệnh nhân đã yêu cầu rút ống mở thông dạ dày và ăn uống bằng đường miệng. Tháng 01/2025 bệnh nhân vào viện trở lại vì nuốt khó, chúng tôi đã thực hiện nong chỗ hẹp thực quản do tổn thương ung thư xâm lấn bằng bóng nong qua nội soi, tình trạng nuốt khó cải thiện nhưng sau hơn 1 tháng bệnh nhân nuốt khó và nuốt đau trở lại. Chúng tôi tiến hành đặt stent kim loại thực quản vào ngày 27/02/2025 để tái lưu thông thực quản giúp người bệnh ăn uống bằng đường miệng trở lại khá tốt, nâng cao dinh dưỡng và chất lượng cuộc sống.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH TRONG QUÁ TRÌNH ĐIỀU TRỊ BỆNH NHÂN

Hình 1. Ung thư loét sùi chảy máu, hẹp lòng thực quản, ống soi không qua được chỗ hẹp

 

Hình 2. Nong bóng qua nội soi vị trí hẹp thực quản do ung thư xâm lấn. Sau khi nong, ống soi đưa được qua chỗ hẹp xuống dạ dày, bệnh nhân ăn uống tốt hơn sau can thiệp

Hình 3. Đặt stent kim loại thực quản che phủ hoàn toàn xuyên qua vị trí hẹp do khối u

Hình 4. Đường kính stent giãn tối đa sau 2 tuần đặt

Hình 5. Đội ngũ Bác sĩ và kỹ thuật viên thực hiện thủ thuật đặt stent kim loại thực quản qua nội soi dưới màn tăng sáng C-arm tại phòng mổ Bệnh viện C Đà Nẵng.

  • Địa chỉ liên hệ
  • Khoa Nội Tiêu hóa Bệnh viện C Đà Nẵng: BSCK2 Ngô Tuấn Linh (số điện thoại 0913 422 591), BSCK2 Nguyễn Quý Thiện (số điện thoại: 0903 572 986)
  • Khoa Thăm dò Chức năng – Nội soi Bệnh viện C Đà Nẵng: BSCK1 Đoàn Anh Dũng (số điện thoại: 0903 573 009)

Tham khảo

  1. Bộ Y Tế (2014), “Nội soi can thiệp-đặt stent ống tiêu hoá”, Hướng dẫn quy trình kỹ thuật nội khoa chuyên ngành tiêu hoá, số 3805/QĐ-BYT, ngày 25/09/2014.
  2. Manon C. W. Spaander et al (2021), “ Esophageal stenting for benign and malignant disease: European Society of Gastrointestinal Endoscopy (ESGE) Guideline – Update 2021”, Endoscopy 2021; 53(07): 751-762.
  3. Mallory K. Wilson, Shamus R. Carr (2023), “Clinical applications of esophageal stents”, Annals of Esophagus, 6, 18.