BỆNH VIỆN C ĐÀ NẴNG CHI BỘ 11: THÁNG 7 VỀ NGUỒN – ÂM VANG CÒN MÃI !!!

Hướng đến Kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh- Liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2024), ngày 20 và 21 tháng 7 năm 2024, Đảng bộ Bệnh viện C Đà Nẵng đã tổ chức sinh hoạt truyền thống “Về nguồn” nhằm tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng; phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” tại tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình.

Chuyến sinh hoạt truyền thống “Về nguồn” bắt đầu với lễ dâng hương tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ đang yên nghỉ tại Nghĩa trang Trường Sơn, lễ dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ đã hy sinh tại Thành cổ Quảng Trị và thả hoa đăng trên sông Thạch Hãn, lễ dâng hương tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Vũng Chùa, Đảo Yến thuộc xã Quảng Đông- huyện Quảng Trạch- tỉnh Quảng Bình. Kết thúc là thăm Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt cầu Hiền Lương.

Thế là sau bao ngày háo hức mong chờ đúng 5 giờ 30 sáng ngày 20/7/2024, Đoàn công tác của Đảng bộ Bệnh viện do Đồng chí Bí thư đảng uỷ, Giám đốc Bệnh viện C Đà Nẵng, BS.CKII. Nguyễn Trọng Thiện làm Trưởng đoàn và có hơn 160 đảng viên bắt đầu xuất phát đến dâng hương và viếng các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn. Đây là nơi yên nghỉ của hơn mười nghìn anh hùng liệt sĩ Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam và Quân đội Nhân dân Việt Nam trên tuyến đường Trường Sơn. Vừa bước lên bậc tam cấp, các thành viên trong đoàn đã lặng người trước không gian vô cùng rộng lớn của nơi đây. Nằm sừng sững ngay giữa nghĩa trang là tượng đài chính có khắc một dòng chữ màu đỏ tươi: “Tổ quốc ghi công”. Đứng trước những mất mát, những hy sinh quá lớn của thế hệ cha anh, giờ đây tại nơi này, thời gian như lắng đọng lại để nhường chỗ cho dòng cảm xúc dâng trào trong tim những người con đến từ miền trung… Cứ như vậy, buổi lễ dâng hương và tưởng niệm đã diễn ra thật trang trọng. Sau  giây phút cuối đầu tưởng niệm, chúng tôi bồi hồi xúc động thắp từng nén hương thơm, chắp tay nguyện cầu cho các anh hùng yên giấc nghìn thu… 

Ngày nay, Thành cổ Quảng Trị là một điểm tham quan gây nhiều xúc động, nơi đây được coi là nghĩa trang không nấm mồ, là ngôi mộ chung của những người lính Thành cổ đã ngã xuống vì quê hương, vì hòa bình, thống nhất đất nước. Tiếp cuộc hành trình là đi đến Di tích Quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị, tại đây Đảng bộ đã tổ chức Lễ kết nạp đảng cho 05 đảng viên mới của các chi bộ: 1, 3, 4, 8. Trong giờ phút này, bước mỗi bước chân trên mảnh đất Thành cổ, có lẽ ai cũng cảm nhận được sự linh thiêng của vong linh các anh hùng liệt sĩ. Và Từ trong sâu thẳm, chúng tôi chỉ muốn nhấc chân thật khẽ vì sợ nơi mình đứng, bước mình đi đều đang dẫm lên xương thịt các anh:

“Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi

Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ

Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió
Dẫu ồn ào đừng lay mạnh hàng cây
Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
Thành cổ rộng sao đồng đội tôi nằm chật
Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật
Cho tôi hôm nay đến nghẹn ngào”

Chiều muộn bên dòng sông Thạch Hãn, Đảng bộ và các Chi bộ đã cùng nhau thực hiện nghi thức thả trôi bè hoa, đèn hoa đăng trên dòng sông. Tưởng niệm và bày tỏ lòng tri ân các Anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu, anh dũng hy sinh trong chiến dịch 81 ngày đêm giữ gìn thành cổ.

Sáng ngày tiếp theo, đoàn chúng tôi đến viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Mộ của bác nằm ngay dưới chân núi, hướng ra biển, nơi phong thủy hữu tình, địa linh nhân kiệt thuộc khu Vũng Chùa – Đảo Yến. Đoàn chúng tôi đã thành kính dâng những bó hoa tươi đẹp trước bia mộ của bác. Rồi hòa trong tia nắng màu vàng của đất Quảng Bình, từng đảng viên trong đoàn lần lượt thắp những nén hương thơm để thể hiện sự biết ơn, lòng tôn kính đối với người anh hùng vĩ đại của dân tộc.

Sau khi rời khu mộ, xe tiếp tục lăn bánh đưa chúng tôi đến thăm khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt cầu Hiền Lương- Bến Hải. Những di tích lịch sử gắn với một thời đất nước bị chia cắt: Cầu Hiền Lương, cột cờ ở bờ Bắc, Nhà Liên hợp, Đồn Công an giới tuyến, cụm tượng đài “Khát vọng thống nhất”, Nhà trưng bày “Vĩ tuyến 17 và khát vọng thống nhất” ở bờ Nam. Cùng ôn lại những ký ức hào hùng, bi tráng, mỗi một chúng ta tôn vinh và tri ân sâu sắc đối với sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha ông vì độc lập tự do của Tổ quốc. Những di tích lịch sử ở đôi bờ Hiền Lương- Bến Hải là di sản của khát vọng thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam.

Chuyến “Về nguồn” đã đem đến cho mỗi đảng viên nhiều cung bậc cảm xúc cũng như lòng biết ơn sâu sắc các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc-  cống hiến vì độc lập- tự do của Tổ quốc- vì hạnh phúc của nhân dân và chiêm nghiệm một điều rằng người sống và người chết tuy cách xa nhau nhưng lại có mỗi quan hệ qua lại chặt chẽ. Con người không ai là không chịu sự chi phối của “Bánh xe pháp luân” với quy luật “Thành – trụ – hoại – không”; có sinh ra là có mất đi, nhưng những gì họ để lại là vĩnh viễn với thời gian là điều hằng thường với cõi vô thường. Chúng ta hôm nay phải sống xứng đáng với tiền nhân, biết biến quá khứ thành động lực thúc đẩy cho hiện tại và mai sau. Thời gian qua đi sẽ làm lành vết thương chiến tranh, tuổi trẻ ngày nay cần quý trọng hơn thành quả của người đi trước để lại mà trước hết là hòa bình, ổn định; trong đất trời Việt Nam thống nhất, trong dòng máu Lạc Hồng, lớp người đi sau cần hướng tới tương lai vì một dân tộc hòa hợp chung tay dựng xây đất nước phồn vinh thịnh vượng “Sánh vai với các cường quốc năm châu”!

Kết thúc chuyến hành trình Về nguồn – Âm vang Trường Sơn. Chúng tôi trở về với công việc thường nhật nhưng cảm xúc về thiên nhiên, cảnh vật, con người nơi ấy vẫn lưu mãi khó phai mờ !!!

                                                                  Đà Nẵng, ngày 22 tháng 7 năm 2024

                                                                Lê Thị Thanh Thúy