HÀNH TRÌNH RỰC LỬA

Sau những ngày mưa rào trải dọc trên dải đất miền Trung, khi cơn nắng gắt của mùa hè quay trở lại, gần 200 Đảng viên của Đảng bộ Bệnh viện C Đà Nẵng lại lên đường quay về chiến trường xưa khói lửa, nơi đã chứng kiến cuộc kháng chiến trường kì bảo vệ độc lập của dân tộc và sự toàn vẹn của lãnh thổ Việt Nam.

Chuyến đi bắt đầu từ khi trời còn tờ mờ sáng, dù khởi hành rất sớm, nhưng trong ánh mắt của từng thành viên đều là sự háo hức được tham gia vào một hoạt động thường niên vô cùng ý nghĩa, có tên gọi “ Về Nguồn”. Vượt qua 200 km trên tuyến đường Hồ Chí Minh lịch sử, chùng tôi đã đến với điểm đến đầu tiên của hành trình, Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn. Nơi đây là nơi tưởng niệm, tôn vinh và yên nghỉ của hơn 10 nghìn người con thân yêu của Tổ quốc, những người đã anh dũng hi sinh xương máu của mình trên các nẻo đường Trường Sơn vì sự nghiệp giải phóng của dân tộc. Sau gần 50 năm kết thúc chiến tranh, đất nước đã ngày một đổi mới, các anh vẫn nằm lại đây, tuy xa nơi chôn nhau cắt rốn, anh linh của các anh vẫn nằm lại đây cũng đồng đội, dõi theo bước đường phát triển của đất nước thân yêu. Dù phần lớn các thành viên của chuyến đi được sinh ra trong thời bình, nhưng thông qua lời kể của ông cha, chúng tôi vẫn luôn ý thức sâu sắc vì sự hy sinh và mất mát của cả dân tộc trong những năm tháng đó. Vậy mà,  trong không khí trang nghiêm này, chúng tôi vẫn không khỏi xúc động, khi chứng kiến hơn 10.000 tấm bia vẫn nằm lại đây, trên mảnh đất xa xôi cằn cỗi, còn nhiều tấm bia với hai chữ “ Vô Danh” càng làm cho những trái tim còn đập hôm nay thêm đau xót. Ôi, vết thương của cuộc chiến dù đã đi xa nhưng vẫn còn dai dẳng quá…

Hình 1: 50 năm đã qua đi, trong tháng 7 thiêng liêng, trước Tượng đài liệt sĩ, toàn thể Đảng bộ Bệnh viện C Đà Nẵng, kính cẩn dâng lên vòng hoa và thắp nhang tượng niệm các liệt sĩ.

Vùng đất Quảng Trị, nằm giữa khúc ruột miền Trung khô cằn sỏi đá, nơi chia cắt hai miền Bắc-Nam, còn có Thành cổ Quảng Trị , nơi đã trải qua 81 ngày đêm khói lửa, chứng kiến số lương thương vong có thể nói là lớn nhất trong tất cả các chiến dịch của 2 cuộc kháng chiển. Tôi còn nhớ mãi câu chuyện về hơn 10.000 sinh viên từ các trường đại học Bách khoa, Tổng hợp, Nông nghiệp, Xây dựng, Kinh tế kế hoạch,… có nhiều người mới học xong năm thứ nhất, nhưng cũng có người sắp tốt nghiệp, chuẩn bị đi tu nghiệp nước ngoài. Họ là những người thuộc tầng lớp tinh hoa của dân tộc, những người được kỳ vọng sẽ cống hiến tri thức để xây dựng đất nước. Nhưng hưởng ứng phong trào Ba sẵn sàng và thực hiện lệnh tổng động viên, họ đã không ngần ngại lên đường, hình thành nên một thế hệ sinh viên Thủ đô xếp bút nghiên lên đường chiến đấu, vì miền Nam thân yêu. Hơn một nửa họ đã nằm lai nơi đây, chôn xác trong hằng hà hố bom đất lửa, hay táng thân nơi đáy sông Thạch Hãn. Đọc lá thư của Liệt sĩ Lê Văn Huỳnh đang được lưu giữ tại Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị, chúng tôi càng thấy rõ hơn tính chất khốc liêt của cuộc chiến. Trước khi hy sinh, anh đã để lại những dòng chữ gửi đến mẹ, vợ và người thân về linh cảm ngày mình sẽ mãi mãi nằm lại với đất mẹ Quảng Trị Anh hùng. Ẩn sâu trong 10 trang thư hoen ố màu thời gian ấy là lý tưởng “Tổ quốc cần sẵn sàng hiến thân mình” mà không chút đắn đo. Bức thư như một thông điệp gửi đến mai sau hãy biết “sống đẹp, sống có ích”, sống có lý tưởng, ước mơ và có giá trị giáo dục không những cho hôm qua, hôm nay và mãi mãi cho muôn đời sau.

Hình 2: Đảng bộ Bệnh viện C Đà Nẵng dâng hương tại Di tích Thành cổ Quảng Trị

Hình 3: Lễ Kết nạp Đảng viên Vũ Thị Mỹ Xuyên, Chị bộ 8

Cũng tại địa điểm thiêng liêng này, Đảng bộ Bệnh viện C Đà Nẵng đã tổ chức Lễ Kết nạp Đảng cho 5 quần chúng ưu tú, trong đó có quần chúng Vũ Thị Mỹ Xuyên của Chi bộ 8. Dưới lá cờ đỏ sao vàng, lá cờ búa liềm, và trước chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí đã dõng dạc cất cao lời thề trung thành của bản thân.

Kết thúc ngày đầu tiên, bên bờ Nam dòng sông Thạch Hãn, 14 bè hoa đăng được làm thủ công từ đôi tay các Đoàn viên Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bệnh viện C Đà Nẵng, cùng những bè hoa tươi đại diện cho tất cả các Chi bộ trực thuộc , và hơn 300 chiếc hoa đăng đã được thả xuống. Dưới vệt nắng hoàng hôn, 2 chiếc đò chở đại diện các Chi bộ khua mái chèo lướt nhẹ giữa mặt sông, thoáng bùi ngùi nghe tiếng ai ngâm da diết:

“Đò lên Thạch Hãn ơi … chèo nhẹ.

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm.

Có tuổi hai mươi thành sóng nước.

Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm”

  • Tác giả Lê Bá Dương

    Hình 4: Đảng ủy và đại diện các Chi ủy thả bè hoa trên sông Thạch Hãn

    Sáng ngày tiếp theo, đoàn chúng tôi tiếp tục con đường ra phía Bắc tỉnh Quảng Bình, đến nơi yên nghỉ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Cống hiến cả cuộc đời cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước, đến khi ra đi, mộ phần Đại tướng được đặt tại khu vực Vũng Chùa – Đảo Yến, thuộc xã Quảng Đông, huyện  Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Chúng tôi bước qua 103 bậc thang, dọc theo 103 cây mai vàng, tượng trưng cho 103 năm của cuộc đời của người, đến nơi Bác yên nghỉ trên một sườn núi nhìn về phía Đông của Tổ Quốc, tựa như muốn bảo vệ vùng biển của quê hương. Dòng người dài nối tiếp, những tiếng nói từ nhiều miền của đất nước, và bát hương không dứt khói, đã nói lên tấm lòng kính yêu của người Việt Nam đối với Bác hôm nay.

    Địa điểm lửa cuối cùng của hành trình là Vĩ tuyến 17, chiếc cầu Hiền Lương chỉ dài 162m, rộng 3.6m, nối liền hai bờ sông Bến Hải, nhưng được sơn hai màu sắc khác nhau như hai miền Bắc- Nam bị buộc phải chia cắt sau Hiệp định Genève 1954. Những gia đình phải tạm chia tay với lời hẹn ước quay trở về đoàn tụ sau hai năm, vậy mà đến 21 năm sau, mới thực hiện được. Đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Chi bộ 8, vô cùng xúc động khi nghe câu chuyện về những gia đình về chồng Bắc- vợ Nam, điển hình như ông Châu- bà Dính, chị cho biết: “ Những tưởng chồng Bắc- vợ Nam là chỉ người chồng đi tập kết xa xôi, còn vợ ở lại. Không ngờ, ở đây họ chỉ cách nhau một con sông nhỏ, mà những tưởng chỉ cần ngụp lặn một hơi là đến. Hằng ngày, đành đứng hai bên bờ mà không gặp được nhau”. Bên cột cờ vĩ tuyến cao 38,6m với lá Quốc kỳ tung bay trên nền trời đầy nắng , được bao quanh bởi những hòn đá được mang về từ các Đảo, Đá ngoài khơi xa của Tổ Quốc như Đảo Sinh Tồn, Đảo Phan Vinh,… chúng tôi càng thêm khát khao về tương lai về một Việt Nam thịnh vượng, thống nhất.

    Hành trình hai ngày một đêm về miền đất lửa kết thúc với thật nhiều cảm xúc. Lòng yêu nước mà chúng tôi được dạy dỗ trên trường lớp lại càng bùng lên mạnh mẽ sau khi được tận mắt chứng kiến những hàng bia mộ trải dài trong khuôn viên rộng lớn của Nghĩa trang Trường Sơn, những kỉ vật thấm máu được lưu giữ trong Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị, vạch kẻ sơn trắng chia cắt cầu Hiền Lương,… Để chúng tôi được sống trong hòa bình này, bao nhiêu cuộc đời quân- dân Việt Nam đã hi sinh, bao nhiêu gia đình phải chia cắt, những vết thương sẽ không bao giờ lành lại. Cha ông ta đã nằm xuống, vậy nhiệm vụ của chúng ta là phải bảo vệ nền hòa bình này, bảo vệ sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Quốc Gia. Trước vô vàn âm mưu của các thế lực thù địch nhằm chia sẽ nội bộ đất nước, đặc biệt là “ Cách mạng màu” đã và đang diễn ra tại một số quốc gia cũng đang le lói tại Việt Nam cùng với sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội, là những Đảng viên trẻ, chúng tôi ý thức sâu sắc được trách nhiệm của bản thân mình, giữ gìn lý tưởng Cách Mạng, nguyện một lòng tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân, phát huy vai trò nòng cốt của người Đảng viên trong xây dựng tổ chức Đảng vững mạnh, phê phán những biểu hiện mơ hồ, lệch lạc, bị lôi kéo, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” của các Đảng viên trong chi bộ và quần chúng trong khoa.

    Hình 5: Đồng chí Phạm Thị Thanh Thủy dù có tổn thương cũ chân trái gây đi lại khó khan, nhưng vẫn cố gắng hoàn thành chuyến đi “Về nguồn”.