TRIỂN KHAI KỸ THUẬT NỘI SOI TRONG CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ UNG THƯ SỚM ĐƯỜNG TIÊU HÓA TẠI BỆNH VIỆN C ĐÀ NẴNG

Ung thư tiêu hóa bao gồm dạ dày, gan, thực quản, tụy và đại trực tràng chiếm hơn ¼ tất cả bệnh lý ung thư và tỷ lệ lưu hành (prevalence) đang ngày càng gia tăng [1,2]. Số liệu năm 2018, khoảng 5 triệu trường hợp ung thư tiêu hóa mới mắc với hơn 3 triệu trường hợp tử vong liên quan [3]. Theo tổ chức nghiên cứu ung thư quốc tế (GLOBOCAN) năm 2020 ước tính rằng: trên 600.000 trường hợp ung thư thực quản mới phát hiện, với hơn 500.000 ca tử vong liên quan [4]; 1,1 triệu trường hợp ung thư dạ dày và hơn 700.000 ca tử vong liên quan [5]; tỷ lệ mới mắc (incidence) ung thư đại trực tràng đã tăng ở mức báo động, ước tính 1,9 triệu ca mới và 900.000 ca tử vong liên quan [6]. Tại Việt Nam, ung thư dạ dày đứng thứ 4 và ung thư đại trực tràng đứng hàng thứ 5 (sau gan, vú, phổi) [7].

Ung thư thực quản diễn tiến nhanh và tiên lượng xấu, tỷ lệ sống phụ thuộc giai đoạn bệnh và hầu hết bệnh nhân được chẩn đoán muộn. Phát hiện sớm và điều trị thích hợp cải thiện tỷ lệ tử vong (tỷ lệ sống sau 5 năm đạt trên 80%) và nâng cao chất lượng sống [8].

Ung thư dạ dày sớm không có triệu chứng hoặc triệu chứng không đặc hiệu nên hầu hết phát hiện trễ. Nếu phát hiện ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm, tỷ lệ sống sau 5 năm giai đoạn T1a và T1b lần lượt 99,3%  và 97,2% [9].

Ung thư đại trực tràng hầu hết hình thành từ polyp đại trực tràng [10]. Corley và cộng sự đã cho thấy rằng tỷ lệ phát hiện polyp tăng thêm 1% liên quan đến giảm 3% nguy cơ ung thư đại trực tràng và giảm 5% nguy cơ tử vong liên quan bệnh lý này [11]. Tỷ lệ sống sau 5 năm ung thư đại trực tràng ở giai đoạn 0 và giai đoạn 1A đạt 96-100% [12].

Hầu hết bệnh nhân ung thư ống tiêu hóa (thực quản, dạ dày, đại trực tràng) được chẩn đoán ở giai đoạn muộn, do đó thời gian sống của họ ngắn và tiên lượng xấu. Sàng lọc phát hiện sớm có vai trò quan trọng trong điều trị ung thư. Khi bệnh được phát hiện ở giai đoạn sớm thì việc điều trị càng hiệu quả, nâng cao tỷ lệ sống còn, phương thức điều trị đơn giản, tiết kiệm về chi phí, nâng cao chất lượng sống, và ngăn chặn được sự tiến triển của bệnh. Ngược lại nếu bệnh được phát hiện ở giai đoạn muộn thì điều trị gặp nhiều khó khăn và để lại gánh nặng lớn về kinh tế [13]. Trong những năm gần đây, với sự phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật y tế, các công nghệ nội soi tiêu hóa mới đã được sử dụng rộng rãi trong thực hành lâm sàng và trở thành một công cụ chẩn đoán và điều trị với các tiến bộ vượt trội. Hiện nay, nội soi tiêu hóa được xem là tiêu chuẩn vàng trong phát hiện và chẩn đoán ung thư sớm thực quản, dạ dày, đại trực tràng. Các bệnh lý ung thư này được chẩn đoán ở giai đoạn sớm có thể chữa khỏi bằng cắt bỏ qua nội soi hoặc phẫu thuật [13].

Cắt bỏ tổn thương ung thư sớm qua nội soi là thủ thuật can thiệp tối thiểu đạt hiệu quả cắt bỏ hoàn toàn tổn thương, không cần gây mê toàn thân, thời gian phục hồi nhanh, thời gian nằm viện ngắn và tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, vì thủ thuật này chỉ cắt bỏ các tổn thương tại chỗ chứ không lấy được hạch bạch huyết nên điều quan trọng là phải sàng lọc bệnh nhân để phát hiện ung thư đường tiêu hóa giai đoạn đầu mà không có khả năng di căn hạch bạch huyết trước khi cắt bỏ nội soi. Ngoài ra, ngay cả khi cắt bỏ qua nội soi tổn thương ung thư sớm tại chỗ thành công, nếu phát hiện các yếu tố nguy cơ mô bệnh học của tổn thương cắt bỏ liên quan đến di căn hạch bạch huyết, vẫn phải cân nhắc cắt bỏ bằng phẫu thuật để giảm thiểu khả năng ung thư tái phát và di căn.  Nội soi độ phân giải cao, nội soi tăng cường hình ảnh, nội soi nhuộm màu phóng đại, siêu âm nội soi và chụp cắt lớp vi tính (CT) được sử dụng để đưa ra quyết định lâm sàng về việc có nên thực hiện cắt bỏ nội soi hay không và có nhiều nghiện cứu đã đưa ra các hướng dẫn có thể dự đoán những bệnh nhân nguy cơ cao khả năng di căn hạch bạch huyết [14].

Điều trị tổn thương ung thư sớm qua nội soi bao gồm cắt niêm mạc qua nội soi (EMR) và phẫu tích dưới niêm mạc qua nội soi (ESD) loại bỏ tổn thương. Kỹ thuật EMR và ESD là một tiến bộ của nội soi từ phương thức chẩn đoán thành công cụ điều trị hữu ích cho các tổn thương niêm mạc và ung thư sớm của đường tiêu hóa. EMR là một kỹ thuật nội soi nâng cao để cắt các polyp không cuống và các tổn thương phẳng lan rộng. Kỹ thuật EMR là tiêm dưới niêm mạc để tạo ra một polyp mới hoặc giả polyp, giúp làm dễ và tăng cường tổn thương khi bắt thòng lọng, loại bỏ hoàn toàn tổn thương ra khỏi đường tiêu hóa. Kỹ thuật ESD cũng được thực hiện bằng cách tiêm nâng tổn thương ra khỏi lớp dưới niêm mạc, sử dụng các dụng cụ qua kênh ống soi phẫu tích tổn thương ra khỏi ống tiêu hóa. Mặc dầu ESD thực hiện khó hơn EMR nhưng kỹ thuật ESD cho phép cắt bỏ tổn thương ung thư sớm tốt hơn, áp dụng được cho các tổn thương kích thước lớn, nguy cơ ác tính cao cần phải lấy nguyên khối để đánh giá mô bệnh học, tránh được nguy cơ tái phát sau điều trị, đạt tiêu chuẩn chữa khỏi ung thư sớm tốt hơn so với kỹ thuật EMR [15].

Bệnh viện C Đà Nẵng trong thời gian gần đây đã trang bị nhiều thiết bị nội soi có độ phân giải cao, nội soi nhuộm màu bằng ánh sáng (NBI) có độ phóng đại hàng chục đến hàng trăm lần giúp phát hiện, chẩn đoán các tổn thương ung thư sớm thực quản, dạ dày, đại trực tràng. Được sự quan tâm của lãnh đạo Bệnh viện C Đà Nẵng, sự phối hợp giữa các chuyên ngành tiêu hóa, thăm dò chức năng nội soi, gây mê, ngoại tiêu hóa và giải phẫu bệnh lý, các bác sĩ trong chuyên ngành nội soi tiêu hóa của Bệnh viện bước đầu đã triển khai được các kỹ thuật chẩn đoán và điều trị ung thư sớm thực quản-dạ dày, đại trực tràng. Kỹ thuật cắt hớt niêm mạc (EMR) đã được chúng tôi thực hiện thường qui để cắt bỏ các tổn thương tiền ung thư như polyp không cuống, polyp phẳng trong đại trực tràng (LST) và các tổn thương phẳng nguy cơ ác tính trong dạ dày. Hiện nay, chúng tôi đã áp dụng kỹ thuật phẫu tích dưới niêm mạc qua nội soi (ESD) để điều trị cắt bỏ các tổn thương tiền ung thư, ung thư sớm ở dạ dày và đại trực tràng, bước đầu đã mang đến kết quả đáng khích lệ. Với sự không ngừng nỗ lực trao dồi kỹ năng chuyên môn của các bác sĩ, sự phối hợp giữa các chuyên ngành liên quan, sự quan tâm hỗ trợ của lãnh đạo bệnh viện, đội ngũ chuyên ngành nội soi tiêu hóa Bệnh viện C Đà Nẵng sẽ từng bước ngày càng thực hiện tốt hơn nữa việc phát hiện sớm các ung thư thực quản, dạ dày, đại trực tràng để áp dụng kỹ thuật điều trị can thiệp tối thiểu qua nội soi (EMR và ESD) nhằm chữa khỏi các ung thư sớm này.

Một số hình ảnh cắt bỏ tổn thương tiền ung thư và ung thư sớm bằng kỹ thuật cắt hớt niêm mạc qua nội soi (EMR) và phẫu tích dưới niêm mạc qua nội soi (ESD) tại Bệnh viện C Đà Nẵng.

Bệnh nhân Trương P. 59 tuổi, nam ID: 2400070683 có polyp tuyến không cuống kích thước lớn ở đại tràng ngang được áp dụng phương pháp phẫu tích dưới niêm mạc (ESD) lấy trọn tổn thương làm GPB. Sau thủ thuật bệnh nhân không có biến chứng chảy máu hoặc thủng.

 

Bệnh nhân Đặng Văn Th. 61 tuổi, nam ID: 2400081094 có tổn thương polyp không cuống (LST) kích thước lớn 2x3cm ở đại  tràng xích ma được cắt tổn thương bằng kỹ thuật cắt hớt dưới niêm mạc (EMR) nhiều mảnh loại bỏ tổn thương. Sau thủ thuật bệnh nhân an toàn.

Một số hình ảnh của nhân viên Bệnh viện C thực hiện Nội Soi

 

 

 

Địa chỉ liên hệ thực hiện thủ thuật :

  • Khoa Nội Tiêu hóa Bệnh viện C Đà Nẵng

BS CKII Ngô Tuấn Linh                         Số điện thoại : 0913422591

BS CK II Nguyễn Quý Thiện                             Số điện thoại: 0903572986

  • Khoa Thăm dò chức năng Bệnh viện C Đà Nẵng

BS CKI Đoàn Anh Dũng                                    Số điện thoại: 0903573009

THAM KHẢO

  1. Sung H et al. Global Cancer Statistics 2020: GLOBOCAN Estimates of Incidence and Mortality Worldwide for 36 Cancers in 185 Countries. CA Cancer J. Clin. 2021;71:209–249.
  2. Arnold M et al. Global Burden of 5 Major Types of Gastrointestinal Cancer. 2020;159:335–349.e15.
  3. Bray F et al. Global cancer statistics 2018: GLOBOCAN estimates of incidence and mortality worldwide for 36 cancers in 185 countries. CA Cancer J. Clin. 2018;68:394–424.
  4. Morgan E et al. The global landscape of esophageal squamous cell carcinoma and esophageal adenocarcinoma incidence and mortality in 2020 and projections to 2040: new estimates from globocan 2020.2022;163:649–658.e2.
  5. Morgan E. et al. The current and future incidence and mortality of gastric cancer in 185 countries, 2020–2040: A population-based modelling study. 2022;47:101404.
  6. Xi Y., Xu P. Global colorectal cancer burden in 2020 and projections to 2040.  Oncol. 2021;14:101174. doi: 10.1016/j.tranon.2021.101174. 
  7. https://nci.vn/tin-tuc/tinh-hinh-benh-ung-thu-tai-viet-nam-theo-globocan-2022-58
  8. Dustin J. Uhlenhopp et al. Epidemiology of esophageal cancer: update in global trends, etiology and risk factors, Clinical Journal of Gastroenterology, 2020
  9. Hitoshi Katai et al. Five-year survival analysis of surgically resected gastric cancer cases in Japan: a retrospective analysis of more than 100,000 patients from the nationwide registry of the Japanese Gastric Cancer Association (2001-2007), Gastric Cancer. 2018 Jan;21(1):144-154
  10. Aasma Shaukat et al. Endoscopic recognition and management strategies for malignant colorectal polyps: recommendations of the US multi-society task force on colorectal cancer, Gastroenterology 2020;159:1916–1934.
  11. Douglas A. Corley et al. Adenoma Detection Rate and Risk of Colorectal Cancer and Death. N Engl J Med. 2014 April 3; 370(14): 1298–1306.
  12. Shinji Tanaka et al. Japan Gastroenterological Endoscopy Society guidelines for colorectal ESD/EMR, Digestive Endoscopy 2020; 32: 219–239.
  13. Li C, Li L, Shi J. Gastrointestinal endoscopy in early diagnosis and treatment of gastrointestinal tumors. Pak J Med Sci. 2020;36(2):203-207.
  14. Park CH et al. Clinical Practice Guideline for Endoscopic Resection of Early Gastrointestinal Cancer, Clin Endosc 2020;53:142-166
  15. Strong A.T et al. Review: endoscopic submucosal dissection (ESD) and endoscopic mucosal resection (EMR), Ann Laparosc Endosc Surg 2016;1:4.