Giới thiệu về Đoàn Thanh Niên Bệnh viện

1. Sơ lược quá trình hình thành và phát triển:

Cách đây đúng 85 năm, tại Hội nghị lần thứ II BCH TW, từ ngày 20/3 đến 26/3/1931, Trung ương Đảng đã dành một ngày trong thời gian Hội nghị để bàn và quyết định những vấn đề quan trọng về công tác vận động thanh niên của Đảng. Sau đó Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ III (họp từ ngày 22 đến 25/3/1961) đã quyết định lấy ngày 26/3/1931 là ngày thành lập Đoàn.

85 năm qua, từ ngày ra đời đến nay Đoàn đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh cùng với sự phát triển của cách mạng nước nhà. Qua mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau, đoàn ta có những tên gọi khác nhau để phù hợp với thực tiễn của cách mạng.

Ngay sau khi thành lập, Đoàn TNCS Đông Dương đã phát triển được nhiều đoàn viên trong cao trào CM 1930-1931 mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh. Trong giai đoạn này đã xuất hiện nhiều tấm gương đấu tranh oanh liệt, tiêu biểu là người đoàn viên TNCS Lý Tự Trọng với câu nói nổi tiếng trước toà án quân thù: “Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, chứ không thể có con đường nào khác”.

Năm 1936 cách mạng chuyển sang hình thức đấu tranh công khai hợp pháp và nửa hợp pháp; Đoàn đổi tên là Đoàn thanh niên Dân chủ Đông Dương, tích cực đấu tranh đòi tự do, dân chủ, cơm áo hoà bình.

Tháng 9/1939, chiến tranh thế giới thứ II bùng nổ, tổ chức Đoàn phải chuyển vào hoạt động bí mật và xây dựng tổ chức chặt chẽ với tên mới là Đoàn thanh niên phản đế Đông Dương.

Mùa xuân 1941, Bác Hồ trở về nước trực tiếp lãnh đạo CM Việt Nam. Tháng 05/1941 Người chủ trì HN TW VIII tại Pắc Bó, dưới ánh sáng của NQ HNTW VIII, Đoàn thanh niên Cứu quốc VN ra đời nối tiếp sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của các tổ chức thanh niên trước đó. Dưới sự tổ chức, giáo dục, rèn luyện của Đảng và Bác Hồ vĩ đại, Đoàn thanh niên cứu quốc và tuổi trẻ cả nước đã xung kích cùng toàn Đảng, toàn dân vùng lên tiến hành thành công Cách mạng tháng Tám 1945 mờ ra kỷ nguyên độc lập tự do cho dân tộc. Tiếp theo là chín năm kháng chiến trường kỳ làm nên một Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Nhiều tấm gương tuổi trẻ kiên cường, dũng cảm đã xuất hiện như: Trần Văn Ơn, Võ Thị Sáu, La Văn Cầu, Cù Chính Lan, Bế Văn Đàn, Phan Đình Giót… Họ xứng đáng đại diện cho một lớp trẻ “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”…

Ngày 19/10/1955, Ban Bí thư TW Đảng đã ra Nghị quyết đổi tên Đoàn thanh niên cứu quốc VN thành Đoàn thanh niên Lao động VN. Tuổi trẻ miền Bắc hăng hái thi đua lao động sản xuất để khôi phục kinh tế, xây dựng xã hội mới. Ở miền Nam phong trào đấu trang chính trị và vũ trang của thanh niên không hề nao núng dù bị đàn áp dã man… Tiêu biểu cho tinh thần bất khuất ấy là chị Trần Thị Lý, người con gái anh hùng đất Quảng, 04 lần bị địch bắt, mang trên mình gần 40 vết thương ngày đêm rỉ máu nhưng không hề nhụt chí trước quân thù. Các phong trào hành động cách mạng được hưởng ứng ở cả hai miền Bắc Nam, đó là các phong trào “Xung phong tình nguyện vượt mức kế hoạch 05 năm lần thứ nhất”, phong trào “Ba sẵn sàng” với tinh thần “Chưa thắng giặc Mỹ, chưa về quê hương”… ở miền Bắc; ở miền Nam có phong trào “Năm xung phong”. Có nhiều tấm gương anh dũng, lập nhiều chiến công xuất sắc như: Bày dũng sỹ Điện Ngọc (Quảng Nam), Tạ Thị Kiều, Lê Thị Hồng Gấm, Lê Mã Lương, Nguyễn Văn Trỗi…

Đoàn thanh niên Lao động Việt Nam được đổi tên là Đoàn thanh niên Lao động Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Đảng và thể theo nguyện vọng của ĐVTN toàn quốc. Sau ngày thống nhất đất nước, đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (1976) đã ra quyết định Đoàn thanh niên Lao động HCM mang tên Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.

Đại hội đại biểu Đoàn toàn quốc lần thứ IV (1980) là đại hội đầu tiên trong thời kỳ cả nước thống nhất đã quyết định đầy mạnh hơn nữa phong trào “Ba xung kích”…

Những lần Đại hội đại biểu Đoàn toàn quốc tiếp theo được tổ chức cách nhau 05 năm: 1987, 1992, 1997.

Năm 2000 được Bộ Chính trị và Chính phủ quyết định là “Năm thanh niên Việt Nam”; từ thời điểm này “Phong trào thanh niên tình nguyện” có bước phát triển mạnh mẽ, đi vào thực tiễn cuộc sống.

Đại hội đại biểu đoàn toàn quốc lần thứ VIII được tổ chức năm 2002, đại hội đã mở ra một trang mới trong lịch sử phát triển của Đoàn thanh niên CS HCM. Đại hội đã phát động phong trào lớn “Thi đua, tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Phong trào có sức sống mới, hàng triệu thanh niên thi đua học tập, tiến quân vào khoa học, công nghệ; thi đua lao động sảng tạo để lập thân lập nghiệp; xung phong tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng… Mới đây là các cuộc vận động, các phong trào mới được triển khai như “Bốn mới” (bao gồm: kỹ thuật mới, ngành nghề mới, thị trường mới, mô hình mới)…

Theo đề nghị của Ban Bí thư TW Đoàn, từ năm 2003, Đảng và Nhà nước đã đồng ý lấy tháng Ba hàng năm là “Tháng thanh niên” với phương châm “Tuổi trẻ hành động vì cộng đồng – Xã hội chăm lo bồi dưỡng thanh niên”.

Ngày 29/11/2005 Quốc hội khoá XI đã chính thức thông qua Luật thanh niên, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong việc tăng cường quản lý của Nhà nước về công tác thanh niên, tạo cơ hội và môi trường thuận lợi cho tuổi trẻ rèn luyện, cống hiến và trưởng thành.

 Năm 2011 đã được Đảng và nhà nước ta chọn là Năm thanh niên với phương châm “Hành động vì một môi trường xã hội lành mạnh cho tuổi trẻ”.

Ngày 24/03/2015 Ban Bí thư TW Đảng đã ra Chỉ thị số 42- CT/ TW về “ Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lí tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015- 2030”. Thúc đẩy sự quan tâm, chăm lo của cấp ủy, chính quyền, các ngành, các cấp và toàn xã hội để từ đó có đầu tư tập trung, mạnh mẽ hơn cho công tác bồi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ, góp phần xây dựng nguồn nhân lực trẻ có chất lượng phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Xây dựng tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vững mạnh xứng đáng đội dự bị tin cậy của Đảng, thực sự là trường học xã hội chủ nghĩa của thanh niên, đáp ứng yêu cầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Phát triển mạnh mẽ các tổ chức thanh niên do Đoàn làm nòng cốt để tăng cường đoàn kết, tập hợp thanh niên.

2. Những truyền thống vẻ vang của Đoàn và tuổi trẻ VN

Một là, truyền thống yêu nước nồng nàn, gắn bó thiết tha, trung thành tuyệt đối với Đảng, với nhân dân, với chế độ XHCN.

Truyền thống quý báu này đã tạo nên động lực vô giá xuyên suốt các thời kỳ lịch sử được thể hiện trong hành động cách mạng, nhất là ở những bước ngoặt của lịch sử.

Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, điều kiện nào, tuyệt đại bộ phận TN ta luôn siết chặt hàng ngũ xung quanh Đảng lãnh đạo, chấp hành nghiêm chỉnh các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Hai là, truyền thống của đội quân xung kích cách mạng, dám đón lấy những nhiệm vụ nặng nề, dám đi đến những nơi khó khăn, gian khổ, dám suy nghĩ sáng tạo… để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó thanh niên đi đầu”, thế hệ trẻ nước ta luôn nêu cao tinh thần hăng hái sẵn sàng xung phong đến những nơi Tổ quốc cần, dù đó là biên cương hay hải đảo, dù công việc đó là mới mẻ hay khó khăn.

Ba là, truyền thống gắn bó đoàn kết trong lớp người cùng lứa tuổi, trong các tổ chức Đoàn và Hội; đoàn kết gắn bó với nhân dân; thương yêu giúp đỡ lẫn nhau trong hoạn nạn, đặc biệt là vào những thời điểm phải đối mặt với kẻ thù hay thiên tai.

Đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế luôn hòa quyện với nhau, thông cảm và đồng tâm hợp lực vì những mục tiêu cao cả của dân tộc và thời đại.

Bốn là, Truyền thống hiếu học, ham hiểu biết để tự mình nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật, quản lý và quân sự… say mê sáng tạo trong hoạt động thực tiễn, để cống hiến cho sự nghiệp của dân tộc và của Đảng.

Học ở nhà trường, học trong cuộc sống, học để làm người có ích cho xã hội luôn được các thế hệ thanh niên ta phấn đấu, thực hiện ngày càng tốt hơn.

II. SƠ LƯỢC VỀ SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN ĐOÀN BỆNH VIỆN C ĐÀ NẴNG:

1. Đặc điểm tình hình:

– Tên đơn vị: Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bệnh viện C Đà Nẵng

– Địa điểm trụ sở: Số 122 Hải Phòng Đà Nẵng

– Điện thoại liên hệ: 0511.3821480      -Fax: 0511.3890820

                                                Email: benhviencdn@gmail.com

        Đoàn bệnh viện C Đà Nẵng là tổ chức chính trị xã hội thuộc Bệnh viện C Đà nẵng, là tổ chức đoàn cơ sở thuộc Đoàn khối các cơ quan Thành phố Đà Nẵng

             – Đoàn Bệnh viện C Đà Nẵng gồm 06 chi đoàn trực thuộc, với tổng số: 245 đoàn viên (gồm có 183 nữ và 62 nam) trong đó có 32 đảng viên đang tham gia sinh hoạt đoàn, độ tuổi bình quân của đoàn viên thanh niên (ĐVTN) là 30 tuổi, hiện đang công tác tại các khoa, phòng thuộc Bệnh viện C Đà Nẵng. Ý thức của ĐVTN nhìn chung là tốt, luôn cố gắng phấn đấu học tập nâng cao trình độ chuyên môn, chính trị. Đa số đoàn viên thanh niên sống có khát vọng, có tinh thần chủ động trong công tác, ham học hỏi và xung phong tình nguyện đảm nhận những phần việc khó, quan tâm đến các hoạt động chính trị, xã hội của thành phố, của đất nước.

– Thuận lợi:

+ Công tác đoàn và phong trào thanh niên bệnh viện luôn được Đảng ủy, Ban giám đốc, Ban chấp hành công đoàn, chi các chi bộ, Hội CCB BV quan tâm tạo điều kiện thuận lợi để đoàn hoàn thành nhiệm vụ.

+ Được sự hỗ trợ Đoàn khối các cơ quan thành phố Đà Nẵng, Hội từ thiện thành phố Đà Nẵng, CLB thầy thuốc trẻ TP ĐN…đã tạo điều kiện cho chúng tôi tham gia các hoạt động từ thiện, an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng.

            – Khó khăn: Do đặc thù công tác chuyên môn y tế chi phối, hạn chế về thời gian nên không cho phép đoàn viên thanh niên có nhiều thời gian tham gia tất cả các hoạt động.

2. Cơ cấu tổ chức hiện tại:

– Bí thư: Nguyễn Anh Tuấn

– Phó bí thư: Võ Trung Nghĩa

– Thường vụ Đoàn: Phan Văn Chung

– Các uỷ viên: Hồ Văn Huấn

                        Nguyễn Anh Thư

                        Hồ Xuân Tịnh

                        Nguyễn Bá Phúc Nguyên

                        Đỗ Anh Toàn

                        Nguyễn Đức Tuấn

3. Thành tích đạt được trong thời gian qua:

+  Công tác tình nguyện hè:

Về khám chữa bệnh tình nguyện: đây là hoạt động nổi bật của Đoàn bệnh viện. Hằng năm, Đoàn bệnh viện phối hợp cùng với Đoàn khối các cơ quan, CLB thầy thuốc trẻ thành phố, Hội CCB bệnh viện, các Hội từ thiện nhiều lần khám bệnh phát thuốc miễn phí cho các đối tượng chính sách, người nghèo, người cao tuổi, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Cựu tù yêu nước (hơn 1000 người/ năm) …tại TP Đà Nẵng, và các tỉnh bạn như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Daklak, Kontum, Quảng Trị, TT- Huế.

Đặc biệt từ năm 2012, Đoàn bệnh viện đã tổ chức khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho người dân tại 2 tỉnh Atapư, Salavan nước CHDCND Lào. Với hơn 5000 người, trị giá gần 80 triệu đồng.

+ Triển khai thực hiện các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”:

ĐVTN nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương của Lãnh đạo các cấp về việc đóng góp cho Quỹ đền ơn đáp nghĩa (mỗi CBCC bệnh viện đóng góp 02 ngày lương). Công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” được duy trì hàng năm. Đoàn kết hợp cùng với Hội cựu chiến binh bệnh viện tổ chức khám bệnh, phát thuốc miễn phí, tặng quà cho CCB, thương bệnh binh, mẹ Việt nam anh hùng…, tổ chức các chuyến đi về nguồn, thắp nến tri ân tại nghĩa trang liệt sĩ nhân ngày 27/7, 30/4, 2/9…Thực hiện chủ trương của Đảng ủy Bệnh viện, Đoàn BV và Hội CCB đã nhận phụng dưỡng suốt đời 01 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng thường trú tại Phường Bình Thuận, quận Hải Châu, TPĐN

ĐVTN thực hiện đầy đủ, đồng loạt cùng tập thể bệnh viện, ủng hộ mỗi người một ngày lương. Quyên góp ủng hộ đoàn viên Đặng Thị Kim Liên ốm đau và hoàn cảnh gia đình rất khó khăn với tổng số tiền đóng góp là 8.500.000 đồng.

Hỗ trợ kinh phí xây dựng 01 căn nhà tình thương cho hộ đặc biệt khó khăn ở xã Hòa Châu huyện Hòa Vang trị giá 20.000.000đồng.

+  Triển khai cuộc vận động “Vì đàn em thân yêu”, “Vì trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”:

Đoàn bệnh viện đã tặng 02 xuất học bổng “Vì đàn em thân yêu” cho 02 em học sinh, tặng quà và sách vở cho các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn tại xã Hoà Liên- Hoà Vang – TP Đà Nẵng.

+  Hằng năm tham gia và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu hiến máu nhân đạo được giao, riêng tại bệnh viện ĐVTN cũng đã hiến máu nhiều lần phục vụ công tác cấp cứu kịp thời bệnh nhân nặng.

Các hoạt động xã hội từ thiện, “Tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng”, công tác dân vận… trong hoạt động của Đoàn Bệnh viện C Đà Nẵng được duy trì thường xuyên hàng năm ngoài việc phát huy năng lực nghề nghiệp, nhưng còn có tinh thần tự nguyện và hết lòng chia xẻ với các khó khăn của các đối tượng chính sách của Đảng – Nhà nước. Đoàn cũng nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ của Đảng ủy, Ban giám đốc, BCH Hội Cựu chiến binh bệnh viện…

3. Các hình thức được khen thưởng :

Qua các thời kì phát triển và trưởng thành cùng với sự phấn đấu, nỗ lực trong công tác chuyên môn, nghiên cứu khoa học của Đoàn viên thanh niên bệnh viện nói riêng và Đoàn bệnh viện nói chung đã đạt được những thành tích đáng phấn khởi.

–   Hằng năm Đoàn Thanh niên bệnh viện luôn giữ vững danh hiệu “ Đơn vị Đoàn xuất sắc”, “ Đơn vị Vững mạnh tiêu biểu”  do Đoàn Dân chính Đảng nay là Đoàn khối các cơ quan thành phố trao tặng.

–   Đoàn bệnh viện C đạt được những thành tích xuất sắc trong “công tác dân vận”  năm 2005, thành tích xuất sắc trong việc đăng cai xây dựng công trình thanh niên “Xây dựng nhà tình thương” năm 2007, 2010.

–   Bằng khen của Ủy ban MTTQ VN TP Đà Nẵng, Hội từ thiện TP Đà Nẵng,đã có thành tích xuất sắc trong các hoạt động của Hội từ thiện Thành phố Đà nẵng năm 2005, 2007, 2009.

–   Bằng khen của Thành Đoàn Đà Nẵng vì có những thành tích xuất sắc trong các chiến dịch tình nguyện hè (năm 2007, 2011), trong công tác nghiên cứu khoa học năm 2004.

–   Tham gia và đạt được những kết qủa tốt những cuộc thi do Thành Đoàn, Đoàn khối các cơ quan thành phố tổ chức như: đơn vị đạt thành tich tốt Hội thi “ Tư tưởng Hồ Chí minh là lẽ sống của thanh niên” năm 2004, hội thi dân vũ hằng năm do Đoàn cấp trên tổ chức. Đạt giải nhì cuộc thi Chỉ thị 43-CT/TU của Ban thường vụ Thành ủy Đà Nẵng “Năm văn hóa, văn minh đô thị”, đạt giải nhất cuộc thi Liên hoan tuyên truyền ca khúc cách mạng TCM.

III. Phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới:

Trong thời gian tới Đoàn bệnh viện vẫn tiếp tục tham gia các hoạt động tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng của các tổ chức xã hội trên địa bàn thành phố Đà nẵng cũng như tự tổ chức cho mình các hoạt tình nguyện nhằm giáo dục cho đoàn viên thanh niên phát huy được vai trò xung kích, tình nguyện của mình góp phần bảo đảm an sinh xã hội vì cuộc sống cộng đồng.

– Tham gia tất cả các hoạt động của Đoàn cấp trên tổ chức

– Tham gia các kế hoạch hoạt động từ thiện của Hội từ thiện Thành phố Đà nẵng trong năm tới.  

Kỷ niệm ngày thành lập Đoàn năm nay là dịp để tập thể Đoàn BVC cùng nhau ôn lại truyền thống vẻ vang của Đoàn – tổ chức tập hợp và đại diện cho lợi ích và quyền lợi của tuổi trẻ Việt Nam. Chúng ta nguyện ghi nhớ và phát huy những truyền thống quý báu của Đoàn, chúng ta cần phấn đấu, góp một phần sức mình trong việc xây dựng tập thể Đoàn bệnh viện vững mạnh, để Đoàn thực sự là cánh tay đắc lực của Đảng, để kế tục sự nghiệp xây dựng và phát triển bệnh viện của các thế hệ đi trước đã dày công vun đắp…

Cùng với sự quyết tâm cao của tập thể Đoàn bệnh viện cùng với sự quan tâm sâu sát của Lãnh đạo bệnh viện và các đ/c đảng viên trong Đảng bộ bệnh viện chúng tôi tin tưởng rằng Đoàn sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; cùng tập thể BV phát triển bệnh viện về mọi mặt.

Để đạt nhiều thành tích mới và cũng trên tinh thần xung kích, tình nguyện, thế hệ trẻ chúng ta hôm nay hãy luôn tự nhắc nhở mình rằng: “Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà hãy tự hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay…”.