CẢM NHẬN SAU LẦN THĂM BẢO TÀNG ĐÀ NẴNG

Tôi sinh ra trên quê hương cách mạng Hà Tĩnh, lớn lên rồi đi học và công tác một thời gian ở Hà Tĩnh. Cách đây hơn 10 năm cũng nhờ cơ duyên tôi được nhận về công tác tại thành phố Đà Nẵng. Cảm nhận của tôi lúc đó Đà Nẵng là một thành phố khá sôi động, cảnh quan thiên nhiên sạch đẹp và rất trong lành, chứ không hề biết một chút gì về quá trình hình thành và phát triển cũng như con người Đà Nẵng khi đó. Năm tháng qua đi cũng đã hiểu thêm một phần về mảnh đất và con người nơi đây, tuy nhiên thấy rằng điều đó vẫn còn quá ít so với những gì cảm nhận được sau lần tham quan Bảo tàng Đà Nẵng chiều nay.

Hình ảnh đầu tiên khá ấn tượng khi bước vào khu vực trưng bày mở đầu của bảo tàng, được thiết kế hình vòng cung rất ý nghĩa như dáng dấp vùng đất Đà Nẵng ôm lấy biển khơi. Trung tâm của không gian này là hình ảnh 5 cánh buồm, tượng trưng cho ngũ hành, cho thành phố biển đang vươn ra biển lớn. 5 cánh buồm mang các bức phù điêu phác thảo các giai đoạn phát triển của Đà Nẵng. Các tầng được bố trí và trưng bày rất logic theo dòng lịch sử hình thành và phát triển Đà Nẵng trong tiến trình lịch sử của đất nước. Tại tầng hai gây ấn tượng mạnh và xúc động với sự tái hiện quá trình chống thực dân Pháp 1858 – 1860; các phong trào yêu nước trước năm 1930; kháng chiến chống Pháp, Mỹ. Nhất là ở đây còn trưng bày lại một số bộ sưu tập của Bảo tàng chứng tích chiến tranh trước đây. Gian trưng bày đã tái hiện lại cuộc đấu tranh của nhân dân Quảng Nam – Đà Nẵng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ hào hùng của dân tộc. Tại đây chúng ta được biết đến các danh tướng như Lê Đình Lý, Nguyễn Tri Phương…trong thời kỳ đầu chống pháp, đã lãnh đạo quân dân đánh bại liên quân Pháp – Tây Ban Nha để bảo vệ Đà Nẵng, và cũng tại nơi đây chúng ta còn được nhìn thấy những hình ảnh, chứng tích và các kỷ vật của các nhà cách mạng ưu tú của Quảng Đà mà tên tuổi của họ đã gắn với những trang sách con đường như: Lê Văn Hiến, Thái Thị Bôi, Phan Văn Định, Hồ Nghinh… Cảm giác thật sự xúc động xen lẫn tự hào khi lần đầu tiên được nhìn thấy hình ảnh chị Trần Thị Lý cùng với các kỷ vật của chị được lưu giữ nơi đây, chợt nhớ mấy câu thơ của nhà thơ Tố Hữu khi viết về chị, người con gái anh hùng :

« …Điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung

Không giết được em, người con gái anh hùng!… »

« …Ôi trái tim em, trái tim vĩ đại

Còn một giọt máu tươi còn đập mãi

Không phải cho em. Cho Lẽ phải trên đời

Cho quê hương em. Cho Tổ quốc, loài người!… »

« …Từ cõi chết, em trở về, chói lọi

Như buổi em đi, ngọn cờ đỏ gọi

Em trở về, người con gái quang vinh

Cả Nước ôm em, khúc ruột của mình… »

Qua buổi đi tham quan bảo tàng Đà Nẵng mới thấy rằng có biết bao công sức gây dựng và sự hy sinh xương máu của các thế hệ để có được một Đà Nẵng đáng sống như ngày hôm nay, hiểu được điều đó chúng ta lại càng thêm yêu, tự hào về mảnh đất con người nơi đây và sẽ luôn ý thức giữ gìn, phát huy các thành quả của các thế hệ đi trước để lại.

Tôi nghĩ rằng có rất nhiều người, kể cả nhiều đồng chí đảng viên chưa một lần đặt chân đến Bảo tàng Đà Nẵng. Hãy đến đó một lần để cảm nhận được các chứng tích, hiện vật, kỷ vật chạm vào trái tim mỗi chúng ta.

Cám ơn Đảng ủy của bệnh viện đã dành cho các Chi bộ một chuyên đề thật sự hấp dẫn và ý nghĩa./.

Một số hình ảnh trong buổi tham quan Bảo tàng Đà Nẵng

Đà Nẵng, ngày 12/4/2021
Tác giả:  Thái Cao Tần