Bệnh viện C Đà Nẵng trong tâm dịch

       Tròn 1 năm kể từ ngày bệnh viện C Đà Nẵng bị cách ly y tế vì COVID-19, con số 416 từ đó cũng trở thành dấu mốc bất cứ ai đã từng sống và làm việc cùng với Bệnh viện vào thời điểm đó cũng nhớ mặc dù chỉ muốn quên đi. Là ca bệnh COVID-19 đầu tiên Đà Nẵng phát hiện trong làn sóng dịch thứ 2, kéo theo hàng loạt các Bệnh viện khác cũng bắt đầu xuất hiện thêm nhiều bệnh nhân và lâm vào tình trạng phong tỏa tương tự. Con số tử vong bắt đầu xuất hiện va tăng lên rồi dừng ở mức 35. Tháng ngày thành phố cài then chốt cửa, những tưởng những phiếu vào chợ sẽ là những dấu ấn kỷ niệm đối với mỗi gia đình.

       Bệnh viện trải qua 15 ngày phong tỏa, mọi sự cố gắng, đồng tâm của anh em trong và ngoài cánh cửa sắt lúc ấy gần như là một. Bên trong cánh cửa, cảnh làm việc ngày đêm, mỗi người một nhiệm vụ. Các cuộc họp khẩn, họp thường kỳ diễn ra bất kể thời gian. Việc bếp núc, lo ăn ở cho hơn một ngàn con người, việc đối phó với dịch lảng vảng đâu đó bao vây thành phố, nhất định phải giữ vững thành trì phía bên trong, nhưng quan trọng nhất vẫn là giữ an toàn cho hơn 400 bệnh nhân đang mắc lại tại Bệnh viện lúc bấy giờ. Người ở ngoài cũng đứng ngồi không yên, cũng xuôi ngược tất tả chạy lo việc giấy tờ, tiếp tế lương thực thực phẩm và trang thiết bị y tế. Cánh cổng sắt, chưa bao giờ có thể là tấm khiêng ngăn cách tình cảm của những con người không là máu mủ nhưng vẫn là tình thân.Những giây phút hoang mang, lo lắng, sợ hãi rồi cũng dần qua đi. Dưới sự lèo lái vững vàng của ban lãnh đạo, mọi người trở nên bình tĩnh hơn, đoàn kết hơn. Từng những cản trở tâm lý nhỏ cũng được quan tâm gỡ bỏ, những sợ hãi cũng được động viên để vượt qua, những vướng mắc trong từng công việc đều được giải tỏa. Mọi thứ dường như đã đi theo guồng nhưng thực chất không phải, đó là sự chuẩn bị lỹ lưỡng cho khoảng thời gian 1 tháng sau khi gỡ phòng tỏa, mọi người lại bắt tay vào trạng thái mới với còi xe cấp cứu hú ngày đêm, ca kíp cấp cứu chia nhau làm việc không thiết đến nghỉ ngơi. Và cấp cứu 2 cũng sẽ trở thành cái tên lịch sử, nơi đã “nuôi lớn” những con người bản lĩnh vững vàng.

       365 ngày đã xoay vòng, Bệnh viện nỗ lực để là bệnh viện an toàn. Sự căng thẳng trong mỗi lần xét nghiệm, sự nóng giận trong những lúc bỏ sót nguy cơ; sự lo lắng về việc trang trải cho cả bệnh viện; không tránh khỏi là những tranh luận nảy lửa, những ý kiến trái chiều…Nhưng quay lại nhìn thì nhờ tất cả những xung đột và cố gắng, bệnh viện vẫn an toàn trong hơn 1 năm cả thế giới oằn mình vì COVID.  Tại thời điểm này, dịch bệnh đã trở trên phức tạp hơn rất nhiều. Hầu hết các tình thành đều bị ảnh hưởng, thành trì cuối cùng là tuyến đầu chống dịch tại miền nam đang phải căng hết lực lượng để chống đỡ, những có số biến động nhảy nhót theo ngày. Thành phố một lần nữa lại trở nên im ắng vì giãn cách. Tâm lý mọi người có phần mỏi mệt, thậm chí là trở nên cáu bẳn nhưng không ai bỏ chiến tuyến của mình, vẫn chịu đựng cái bức bí trong bộ đồ bảo hộ suốt 1 ngày làm việc, tiếp tục cần mẫn với những công việc nhàm chán đến đáng ghét là phân luồng, là cách ly, là xét nghiệm…Những tinh thần sẵn sàng lao vào tâm dịch dù “địch” ở bất cứ nơi đâu. Ai cũng hiểu và biết rõ điều gì là quan trọng và phải được bảo vệ. Bởi Bệnh viện là “thành trì cuối cùng” như lời của Bộ trưởng Bộ Y tế luôn luôn nhắc nhở. Hy vọng rằng, chúng ta sẽ được đền đáp bằng tất cả sự nỗ lực và đồng lòng. Mỗi sự cẩn trọng, tuân thủ và bản lĩnh đều cần thiết trong lúc này. Chúng ta lại sẽ hát bài hát “niềm tin chiến thắng” vào một ngày không xa, như chúng ta đã từng!