LỄ PHÁT ĐỘNG HƯỞNG ỨNG NGÀY AN TOÀN NGƯỜI BỆNH THẾ GIỚI LẦN THỨ 2 (Ngày 17/9/2020)

LỄ PHÁT ĐỘNG

HƯỞNG ỨNG NGÀY AN TOÀN NGƯỜI BỆNH
THẾ GIỚI LẦN THỨ 2 (Ngày 17/9/2020)

1. Sơ lược lịch sử hình thành ngày an toàn người bệnh thế giới

            An toàn người bệnh là sự quan tâm hàng đầu của mỗi quốc gia, mỗi cơ sở y tế, người dân và xã hội. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Bộ trưởng Y tế toàn cầu năm 2016 được tổ chức ở London, Vương Quốc Anh đã khởi xướng phát động mục tiêu an toàn người bệnh, tiếp theo là lần thứ hai tại Đức năm 2017, lần thứ ba tại Nhật năm 2018: An toàn người bệnh được đưa lên thành vấn đề ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự toàn cầu. Công nhận an toàn người bệnh là ưu tiên sức khỏe toàn cầu, tất cả 194 Quốc gia Thành viên của Tổ chức Y tế  Thế giới (WHO) tại Đại hội đồng Y tế Thế giới lần thứ 72, vào tháng 5 năm 2019, chính thức lấy ngày 17/9 hàng năm là ngày ”An toàn người bệnh Thế giới” (Nghị quyết WHA72.6). Các mục tiêu của ngày An toàn Người bệnh Thế giới là nâng cao nhận thức và sự tham gia của cộng đồng, nâng cao hiểu biết toàn cầu, thúc đẩy sự đoàn kết và hành động toàn cầu nhằm thúc đẩy sự an toàn của bệnh nhân.

         Năm 2019, WHO phát động ngày An toàn Người bệnh Thế giới nhằm nâng cao nhận thức về An toàn người bệnh trên toàn cầu với chủ đề: “An Toàn Người Bệnh là ưu tiên của sức khỏe toàn cầu”, mục tiêu: “ trước tiên là không gây nguy hại cho người bệnh – first do no harm for patient”, cùng với thông điệp “Hãy nói ra cho sự An toàn Người bệnh!” tạo môi trường cởi mở và “không đổ lỗi” để xây dựng văn hóa an toàn người bệnh.

         Chăm sóc sức khỏe trước tiên là không gây tổn hại cho người bệnh. Tuy vậy, bệnh viện lại chính là một môi trường nguy cơ cao, nơi các sự cố y khoa có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào từ bất kỳ dịch vụ khám chữa bệnh nào. Ở bất cứ công đoạn nào của mọi quy trình chẩn đoán, chăm sóc, điều trị đều chứa đựng các nguy cơ tiềm tàng cho người bệnh. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy: Cứ 10 người bệnh, có 1 người bệnh bị tổn hại trong khi tiếp nhận dịch vụ KB, CB. Trong đó: tới 50% nguyên nhân là phòng tránh được. Cứ 10 người bệnh, có tới 4 người bị tổn hại trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và điều trị ngoại trú. Hơn 1 triệu người bệnh tử vong do tai biến phẫu thuật mỗi năm và trở thành 1 trong 10 nguyên nhân gây tử vong và tổn thương hàng đầu trên thế giới.

         Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được xây dựng, hướng dẫn và quy định các bệnh viện cần nghiêm túc triển khai thực hiện: Tăng cường hệ thống chính sách, văn bản pháp quy về ATNB; Bảo đảm thiết lập chương trình và xây dựng các quy định cụ thể bảo đảm an toàn người bệnh và nhân viên y tế; Thiết lập hệ thống thu thập, báo cáo, phòng ngừa sự cố y khoa (Thông tư số 43/2018/TT-BYT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn phòng ngừa sự cố y khoa tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh). Đồng thời tập trung chỉ đạo theo 6 mục tiêu toàn cầu về an toàn người bệnh:

  1. Xác định chính xác người bệnh
  2. Bảo đảm giao tiếp hiệu quả
  3. Bảo đảm an toàn sử dụng thuốc
  4. Bảo đảm an toàn phẫu thuật: Phẫu thuật đúng vị trí, đúng phương pháp và đúng người bệnh
  5. Kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện
  6. Giảm nguy cơ và hậu quả do ngã

2. Phát động hưởng ứng phong trào ngày An toàn Người bệnh Thế giới

    Năm 2020, Tổ chức Y tế Thế giới nhấn mạnh Đại dịch COVID-19 đã cho thấy những thách thức và rủi ro to lớn mà nhân viên y tế đang phải đối mặt bao gồm lây nhiễm liên quan đến chăm sóc sức khỏe và góp phần làm bùng phát dịch trong cơ sở chăm sóc sức khỏe, kỳ thị, rối loạn tâm lý và cảm xúc, bệnh tật và thậm chí tử vong. Hơn nữa, làm việc trong môi trường căng thẳng khiến nhân viên y tế dễ mắc sai sót dẫn đến tổn thương bệnh nhân. Do đó, ngày An toàn Người bệnh Thế giới năm 2020 có:

  • Chủ đề: Sức khỏe An toàn cho Người lao động: Ưu tiên An toàn Người bệnh
  • Khẩu hiệu: “Nhân viên y tế an toàn, Người bệnh an toàn”
  • Kêu gọi hành động: “Hãy lên tiếng vì sự an toàn của nhân viên y tế”!

Mục tiêu của Ngày An toàn Người bệnh Thế giới 2020:

  • Nâng cao nhận thức toàn cầu về tầm quan trọng của an toàn nhân viên y tế và mối liên hệ giữa nó với an toàn bệnh nhân
  • Thu hút nhiều bên liên quan và áp dụng các chiến lược đa phương thức để cải thiện sự an toàn của nhân viên y tế và bệnh nhân
  • Thực hiện các hành động khẩn cấp và bền vững để công nhận sự an toàn của nhân viên y tế là điều kiện tiên quyết để an toàn cho bệnh nhân.
  • Ghi nhận sự cống hiến và làm việc chăm chỉ của nhân viên y tế, đặc biệt là trong cuộc chiến chống COVID-19 hiện nay

         Đại dịch COVID-19 hiện là một trong những thách thức và mối đe dọa lớn nhất mà thế giới và nhân loại phải đối mặt, và ngành y tế, các bệnh viện đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn nhất về an toàn bệnh nhân từ trước đến nay! Đại dịch đã gây ra áp lực chưa từng có đối với các hệ thống y tế trên toàn thế giới. Hệ thống y tế chỉ có thể hoạt động an toàn với các nhân viên y tế, và lực lượng nhân viên y tế có kiến ​​thức, kỹ năng và động lực là rất quan trọng để cung cấp dịch vụ chăm sóc an toàn cho bệnh nhân. Đồng thời cùng triển khai các biện pháp tiếp cận, tuân thủ các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát nhiễm trùng, phòng hộ cá nhân, đồng thời kiểm soát tốt các lỗi có thể gây hại cho bệnh nhân và nhân viên y tế.

        Tất cả bệnh nhân phải được chăm sóc theo nhu cầu y tế phù hợp của họ và người dân phải được thông báo đầy đủ về phương pháp điều trị được cung cấp. Mọi thứ phải được thực hiện để ngăn ngừa tử vong do coronavirus.

         Năm 2020, Bộ Y tế đã ban hành Bộ tiêu chí Bệnh viện an toàn phòng chống dịch Covid-19 và dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp nhằm định hướng cho các bệnh viện triển khai thực hiện đầy đủ các hoạt động đảm bảo phòng ngừa dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp.

         Hưởng ứng thực hiện khẩu hiệu: “Nhân viên y tế an toàn, Người bệnh an toàn”, Giám đốc Bệnh viện kêu gọi sự hưởng ứng hành động chung tay của toàn bộ cán bộ viên chức Bệnh viện, cụ thể:

  • Thực hiện đầy đủ nghiêm túc các nội dung Bộ tiêu chí bệnh viện an toàn trong phòng chống dịch
  • Hãy lên tiếng và đưa ra các giải pháp hữu hiệu nhằm nâng cao chất lượng và an toàn trong chăm sóc sức khỏe
  • Nâng cao nhận thức của công chúng và giới truyền thông về các vấn đề chính liên quan đến an toàn của nhân viên y tế, an toàn cho bệnh nhân
  • Thông tin về các hoạt động trong Bệnh viện để người dân được biết và tham gia chung tay phòng chống dịch nâng cao chất lượng khám chữa bệnh
  • Thông tin cho bệnh nhân về cách họ có thể đóng góp vào sự an toàn của chính họ và của nhân viên y tế.