Các vấn đề tiêu hóa thường gặp ở người lớn tuổi

I.BỆNH TRÀO NGƯỢC DẠ DÀY THỰC QUẢN ( GERD )

GERD là một bệnh lý tiêu hoá thường gặp, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, gây ung thư thực quản. GERD là tình trạng bệnh lý khi chất trong dạ dày trào ngược gây triệu chứng khó chịu và/ hoặc gây biến chứng.

Tại sao bị bệnh: Bình thường khi ăn, thức ăn sẽ di chuyển từ miệng qua hầu họng, đến thực quản rồi đi qua cơ thắt thực quản để xuống dạ dày. Cơ thắt này hoạt động như van 1 chiều, chỉ mở ra khi chúng ta nuốt thức ăn rồi nhanh chóng đóng lại để ngăn thức ăn không bị trào ngược từ dạ dày lên thực quản. Ở người bị bệnh GERD, cơ thắt này không còn hoạt động như bình thường. Cơ thắt có thể mở ra thường xuyên hay đóng lại không khít làm cho thức ăn và axit từ dạ dày dễ trào ngược lên thực quản. Axit có thể di chuyển xa tới vùng hầu họng gây tổn thương niêm mạc thực quản và vùng hầu họng, tạo ra cảm giác nóng rát ở giữa ngực lan lên cổ và ợ chua.

Các yếu tố góp phần làm tăng tình trạng trào ngược :

– Thức ăn cay, nhiều gia vị, nhiều dầu mỡ.

– Rượu bia, trà, cà phê, sô cô la.

– Nước ép trái cây có vị chua, nước ngọt có gaz.

– Hút thuốc lá làm giảm áp lực cơ thắt thực quản.

– Béo phì, thai kỳ, mặc đồ quá chật làm tăng áp lực ổ bụng.

– Thời gian tống xuất thức ăn từ dạ dày xuống ruột chậm lại do mắc bệnh đái đường.

– Ăn quá no, dạ dày chứa đầy thức ăn nhất là khi nằm hoặc ăn trễ gần giờ đi ngủ.

– Tập luyện thể dục ngay sau ăn, thực hiện động tác cúi người ra trước.

– Một số thuốc cũng có thể gia tăng tình trạng trào ngược do làm giãn cơ thắt thực quản dưới.

Các triệu chứng thường gặp của GERD là nóng rát sau xương ức, ợ chua, đau thượng vị, đau ngực.

Chẩn đoán GERD:

– Cận lâm sàng: chẩn đoán bằng nội soi, đo pH thực quản 24 giờ.

– Lâm sàng: bảng câu hỏi GerdQ là công cụ chẩn đoán đơn giản và điều trị thử bằng thuốc ức chế bơm proton (PPI).

Về điều trị, mục tiêu của điều trị GERD là: giải quyết hết triệu chứng trào ngược, cải thiện chất lượng sống, lành tổn thương, phòng ngừa và chống tái phát viêm thực quản và các biến chứng của GERD. Thuốc điều trị: PPI tác dụng ức chế bài tiết HCl, đóng vai trò quan trọng trong điều trị GERD. Thuốc tăng vận động thực quản như: Primperan, Motilium. Thuốc băng niêm mạc như: Topaal, Gaviscon.

II.LOÉT DẠ DÀY TÁ TRÀNG

Loét dạ dày tá tràng là một bệnh lý rất phổ biến chiếm khoảng 35% bệnh lý đường tiêu hoá. Lứa tuổi thường gặp nhất là 30 – 60 tuổi. Loét tá tràng nhiều gấp 3 – 4 lần loét dạ dày. Nam gặp nhiều hơn, gấp đôi nữ.

Từ năm 1910 Schwartz đã viết: “Loét là hậu quả của một sự vượt trội lực tiêu huỷ của dịch dạ dày so với lực bảo vệ. Không có acid không có loét “. Khái niệm này đến nay chưa bị bác bỏ. Năm 1990 G.Tygat nêu thêm công thức khác: “Không có Helicobacter Pylori (H.P) không có loét”. Sự phát hiệnn HP đã làm thay đổi quan niệm bệnh sinh điều trị viêm dạ dày mạn, loét DDTT. Theo quan niệm cổ điển, bệnh loét tổn thương xảy ra khi có sự mất cân bằng giữa lực tấn công ( acid-pepsin) và lực bảo vệ (mucus-bicarbonat-tế bào niêm mạc). Trong hơn 50 năm qua nghiên cứu điều trị bệnh loét chỉ chú trọng sự tăng tiết acid. Gần đây, người ta chú ý nhiều đến sự suy yếu hệ thống bảo vệ trong đó H.P là một yếu tố bệnh sinh, bởi lẽ đa số (80-90%) bệnh loét DDTT có nhiễm H.P.

Triệu chứng lâm sàng: đau bụng vùng thượng vị là triệu chứng chính. Đau có tính chất chu kỳ, và đau theo bữa ăn. Ngoài cơn đau bệnh nhân còn bị ợ hơi, ợ chua hay ợ nóng.

Các biến chứng loét DDTT bao gồm:

– Xuất huyết tiêu hoá: nôn ra máu sau đó đi cầu phân đen là biến chứng hay gặp nhất.

– Thủng ổ loét

– Hẹp môn vị

– Ung thư hoá

Về điều trị nội khoa:

– Các thuốc kháng acid: giảm độ acid DDTT như Phosphalugel, Gastropulgite.

– Các thuốc kháng tiết acid gồm: Kháng thụ thể H2 như: Ranitidin, Famotidin, Nizatidin. Thuốc ức chế bơm proton làm giảm tiết acid gồm 5 nhóm: Omeprazole, Lansoprazole, Pantoprazole, Rabeprazole, Esomeprazole.

– Bảo vệ niêm mạc dạ dày gồm: Sucrafate, Misoprotol (Cytotec), Trymo (CBS)

– Diệt trừ H.P: với các phác đồ 3 thuốc ( OAC, OMC), phác đồ 4 thuốc ( OAMB), phác đồ kháng thuốc với thuốc PPI làm cơ sở đạt được hiệu quả cao trong điều trị diệt trừ H.P, phòng ngừa loét tái phát và làm lành ổ loét DDTT.

Giáo dục bệnh nhân và người nhà bệnh nhân:

– Cung cấp cho bệnh nhân một số kiến thức về bệnh, giúp họ tránh được những yếu tố làm bệnh nặng thêm.

– Bệnh nhân kiêng các chất kích thích như rượu, cà phê, nước trà đặc, ớt, hạt tiêu, thức ăn cay, chua.

– Không hut thuốc lá, tránh bị căng thẳng, stress.

– Không uống các thuốc có nguy cơ gây loét và chảy máu dạ dày như Aspirin, nhóm kháng viêm Nonsteroid, corticoid.

– Nên ăn những thức ăn mềm, dễ tiêu, ăn chậm, nhai kỹ.

– Phát hiện sớm tình trạng viêm loét DDTT và tuân thủ điều trị đúng đắn để chóng lành bệnh và phòng ngừa bệnh loét tái phát.

III.NGUYÊN NHÂN, BIẾN CHỨNG VÀ PHÒNG BỆNH XƠ GAN

Xơ gan là một bệnh man tính tiến triển với dấu hiệu suy chức năng gan và tăng áp lực tĩnh mạch cửa.

1. Nguyên nhân gây bệnh xơ gan: có 10 nguyên nhân:

– Do virus viêm gan B và virus viêm gan C

– Xơ gan do ứ mật kéo dài

– Do rượu: uống rượu hàng ngày trên 150g từ 10-15 năm nguy cơ bị xơ gan

– Xơ gan do ứ đong máu kéo dài: suy tim, viêm tắc tĩnh mạch trên gan

– Xơ gan do ký sinh trùng: sán lá gan, sán máng

– Xơ gan do nhiễm độc hoá chất và thuốc

– Xơ gan do rối loạn chuyển hoá: sắt, đồng, porphyrin…

– Xơ gan do rối loạn di truyền

– Xơ gan lách to kiểu Banti

– Xơ gan do suy dinh dưỡng

2. Chẩn đoán:

Triệu chứng lâm sàng: chia làm 2 giai đoạn

– Xơ gan còn bù: Xơ gan giai đoạn tiềm tàng. Các triệu chứng xơ gan rất ít hoặc không rõ.

– Xơ gan mất bù: biểu hiện rõ bằng 2 hội chứng: hội chứng tăng áp lực tĩnh mạch cửa và hội chứng suy tế bào gan.

3. Biến chứng:

Nhiễm trùng, xuất huyết tiêu hoá nhất là do vỡ trướng TMTQ, hôn mê gan, suy kiệt nặng, hội chứng gan thận và ung thư hoá.

4. Điều trị:

Xơ gan là một bệnh không thể chữa khỏi, nhưng nếu được điều trị đúng, bệnh nhân có thể sống lâu dài lâu hơn.

Giai đoạn còn bù: điều trị bằng chế độ ăn uống, sinh hoạt, hạn chế sử dụng thuốc và chất có hại cho gan.

Giai đoạn mất bù chủ yếu điều trị ngăn ngừa biến chứng.

5. Phòng bệnh:

– Tránh nghiện rượu nhất là khi dùng liều > 80g/ngày

– Phòng viêm gan siêu vi B bằng tiêm chủng Engerix B

– Ngăn chặn sự tiếp xúc và lây nhiễm HBV, HCV.

– Bệnh nhân bị viêm gan viêu vi B, C nên cần phát hiện, điều trị đúng bài bản, để ngăn ngừa bệnh diễn biến đến xơ gan

– Điều trị VGSVB mãn: lamivudin, Adefovir, Entercavir, Tenofovir hoặc Pegasys. Điều trị VGSVC mãn bằng Peg-Interferon + Ribavirin.

– Chú ý tránh các thuốc độc cho gan

– Phòng và điều trị sốt rét và suy dinh dưỡng

IV. NGUYÊN NHÂN, XỬ TRÍ, CHĂM SÓC NGƯỜI BỆNH XUẤT HUYẾT TIÊU HOÁ

1. Đại cương:

Xuất huyết tiêu hoá là chảy máu ống tiêu hoá thường biểu hiện dưới hai hình thức: nôn ra máu hoặc đi cầu ra máu hoặc cả hai.

Người ta phân ra hai loại:

– Xuất huyết tiêu hoá cao: chảy máu ở thực quản, dạ dày tá tràng và phần trên của hỗng tràng. Thường biểu hiện bằng: nôn ra máu hoặc đi cầu phân đen hoặc cả hai.

– Xuất huyết tiêu hoá thấp là chảy máu đường tiêu hoá từ góc Treitz trở xuống tận hậu môn. Thường gặp là chảy máu từ ruột non, từ đại tràng. Chỉ có độc nhất là đi cầu ra máu, thường máu đỏ bầm hoặc tươi.

2. Nguyên nhân xuất huyết tiêu hoá:

Nguyên nhân XHTH từ thực quản: Xơ gan có tăng áp lực TM cửa gây xuất huyết do vỡ TMTTQ, ung thư thực quản, hội chứng Mallory-Weiss…

Nguyên nhân XHTH do bệnh lý dạ dày tá tràng: loét dạ dày tá tràng, viêm dạ dày cấp chảy máu sau điều trị các thuốc AINS, Aspirin, corticoid, ung thư dạ dày…

Chảy máu từ mật-tuỵ: chảy máu đường mật ở BN sỏi mật, viêm loét đường mật; chảy máu từ tuỵ: do sỏi, nang tuỵ loét vào mạch máu.

Chảy máu do bệnh về máu: sốt xuất huyết; bệnh lý tuỷ xương gây rối loạn đông chảy máu như leukemia cấp và mạn, hemogenie, suy tuỷ; suy gan nặng gây giảm các yếu tố đông máu; dùng thuốc kháng đông như Heparin, kháng vitamin K…

Chảy máu từ ruột non: viêm ruột xuất huyết do vi trùng như E.coli; Scholein Henoch gây ban xuất huyết ở ruột, bệnh Crohn…

Chảy máu từ đại tràng: lỵ trực trùng, amip; ung thư đại tràng; viêm loét đại trực tràng chảy máu; trĩ nội, polyp đại trực tràng…

3. Nguyên tắc xử trí XHTH:

Phục hồi lại thể tích máu và hồi sức chống choáng bằng cách truyền máu để bù lại số lượng đã mất hoặc các dung dịch có trọng lượng phân tử lớn.

Cầm máu tại chỗ qua nội soi

Xử trí nguyên nhân để tránh xuất huyết tái phát.

4. Chăm sóc người bệnh:

Vấn đề chăm sóc điều dưỡng cho người bệnh XHTH là rất quan trọng, theo dõi sát tình trạng choáng, mất máu, có kế hoạch chăm sóc chu đáo, thực hiện y lệnh điều trị kịp thời có hiệu quả góp phần giải quyết tình trạng XHTH, tránh nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

5. Giáo dục sức khoẻ:

BN và gia đình cần phải biết về các nguyên nhân, yếu tố thuận lợi, biểu hiện lâm sàng và diễn biến của XHTH để có thái độ hợp tác, điều trị và chăm sóc chu đáo. Cần phải điều trị tích cực nguyên nhân bệnh và phòng bệnh tốt để tránh tái phát.

BS LÊ PHƯỚC THANH

Trưởng Khoa Nội Tiêu Hóa